Dù đã 16 năm trôi qua nhưng thành tích mà cô gái này đạt được vẫn là kết quả cao nhất của học sinh nữ Việt Nam trên đấu trường Olympic Toán quốc tế.
Tình yêu đặc biệt với toán học
Có bố mẹ là giáo viên dạy toán, Thảo yêu thích và bộc lộ năng khiếu toán học từ sớm. Cô thường học ké mỗi lần mẹ dạy toán cho anh trai hơn 3 tuổi và hiểu phần lớn kiến thức. Thảo cũng tò mò đọc những chồng sách của bố mẹ, đặc biệt là bộ "Các câu chuyện toán học", kể về cuộc đời của các nhà toán học từ xa xưa. Ấn tượng với nhà toán học Évariste Galois (người Pháp), cô nghĩ làm toán là một thứ gì đó cao siêu nên quyết tâm chinh phục.
Lên cấp ba, Thảo thi đỗ vào lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương. Sau đó, cô liên tiếp vượt qua các vòng thi học sinh giỏi, trở thành một trong sáu đại diện của Việt Nam thi IMO năm 2008. Thảo nhận mình hiếu thắng, nên không ngại thử sức với các kỳ thi toán.
Cô gái duy nhất của đội tuyển giành huy chương bạc với 29/42 điểm, xếp hạng 57/535 thí sinh năm đó. Đến nay, đây vẫn là điểm số cao nhất mà một nữ thí sinh của Việt Nam đạt được ở một kỳ thi IMO.
Thành tích ở IMO đã mở ra cơ hội du học, điều trước đây Thảo chưa từng nghĩ đến. Năm 2010, cô sang Mỹ, học chuyên ngành Toán học ở Đại học Stony Brook, bằng học bổng Chính phủ. Học bổng hỗ trợ học phí 15.000 USD/năm và 1.000 USD tiền ăn ở mỗi tháng, cho toàn bộ bốn năm. Học nhiều kiến thức mới, Thảo càng thêm yêu toán, đăng ký một số lớp cao học và tích cực tham gia nghiên cứu. Với điểm trung bình 3,94/4, cô tốt nghiệp đại học loại xuất sắc.
Thảo sau đó làm nghiên cứu sinh ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), năm 2014. Cô nghiên cứu về hình học rời rạc, cụ thể là hình học tiếp xúc, đếm sự tiếp xúc giữa các điểm và vật thể hình học khác như đường thẳng, đường tròn... trong không gian.
Lúc này, bên cạnh nghiên cứu và làm trợ giảng, Thảo tham gia PRIMES và RSI, hai chương trình hướng dẫn học sinh cấp ba làm nghiên cứu ở trường, giúp các em đạt thành tích cao ở các cuộc thi toán học và công nghệ. Nhận thấy lợi ích từ mô hình trại hè kết hợp nghiên cứu khoa học, cô muốn thực hiện ý tưởng này ở Việt Nam. Sau vài lần họp với bạn bè trong hội sinh viên người Việt ở MIT, Thảo cùng ba du học sinh khác thành lập MaSSP - Trại hè toán và khoa học cho học sinh.
Khát vọng ‘vun trồng’ cho giáo dục
Ý tưởng thành lập trại hè Toán và Khoa học xuất phát từ một buổi sinh hoạt Tết của VAS - Hội Sinh viên Việt Nam ở MIT - tháng 2/2016. Nguyễn Trinh, lúc ấy là Hội trưởng VSA, đề xuất ý tưởng thành lập chương trình giúp học sinh, sinh viên ở Việt Nam có cơ hội tiếp xúc việc làm nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy suy nghĩ độc lập và biết cách trình bày về nghiên cứu của mình.
Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình trong buổi sinh hoạt. Sau đó vài tuần, Trinh cùng Thảo và hai bạn nữ khác là Vũ Minh Châu (cựu sinh viên MIT), Lê Hồng Nhung (sinh viên trường nữ sinh Wellesley), thành lập MaSSP.
Trại hè diễn ra lần đầu tiên vào tháng 6/2016 với 22 học sinh ở hai môn Toán và Tin học. Một năm sau, chương trình mở rộng ra 50-60 thành viên, thêm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học môi trường.
Việc vận hành một chương trình khi các thành viên sinh sống, học tập tại nhiều nước khá phức tạp. Thảo cùng “đồng đội” đã trải qua không ít khó khăn, đặc biệt trong khâu liên lạc ban điều hành ở nước ngoài và ban hậu cần ở Việt Nam.
Trại hè chỉ diễn ra trong hai tuần, nhưng để lo được chỗ ăn ở và lớp học cho tất cả bạn trẻ và hướng dẫn viên không hề đơn giản. Kinh phí cũng là vấn đề do ban tổ chức không thu học phí. Những năm qua, trại hè hoạt động được nhờ có tài trợ và giúp đỡ nhiệt tình của một số nhà hảo tâm ở Mỹ, Viện Toán, Viện Toán cao cấp, ĐH Sư phạm Hà Nội cùng ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Nhờ đó, MaSSP kiên trì hành trình tiếp lửa cho thế hệ trẻ. Thảo tâm sự thành tựu tốt nhất họ đạt được là truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi khoa học, đồng thời tạo ra mạng lưới kết nối những bạn trẻ tài năng, giàu đam mê.
Với Đỗ Thị Thu Thảo, MaSSP không chỉ là cơ hội truyền đam mê Toán, Khoa học tới thế hệ trẻ. Chương trình cũng giúp nữ nghiên cứu sinh phát triển kỹ năng mềm, cách tương tác với những người ngoài ngành - điều mà cô ít chú ý.
Thông qua MaSSP, Thảo có thể bù lại chút tiếc nuối thời học phổ thông của mình. Chủ nhân tấm huy chương bạc IMO 2008 cho rằng chương trình Toán phổ thông cần giới thiệu thêm những ứng dụng của môn học này.
“Toán ứng dụng là ngành nhiều tiềm năng. Với kiến thức Toán vững chắc, bạn trẻ có thể theo đuổi nhiều ngành học khác như xác suất thống kê, khoa học máy tính, kinh tế, tài chính... Tuy nhiên, học sinh cấp ba nhiều khi không thấy được những tiềm năng này. Tôi mong muốn MaSSP sẽ phần nào cải thiện vấn đề đó”, Thảo chia sẻ.
Đây cũng là quan điểm của Thảo về nghề giáo. Với cô gái 28 tuổi, giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức, dạy trò cách sống, mà còn cần người biết truyền cảm hứng và hỗ trợ học trò khám phá sự thú vị trong từng môn học.
Thành tích của Đỗ Thị Thu Thảo: - Huy chương bạc IMO Toán học 2008. - Học bổng Levinson và học bổng Ida M. Green ở MIT - Giải khuyến khích kỳ thi Toán Putnam nổi tiếng ở Bắc Mỹ (2012, 2013). - Giải khuyến khích Alice T. Schafer dành cho nữ sinh có thành tích học tập nghiên cứu Toán tốt nhất trên toàn nước Mỹ (2013). - Giải thưởng Provost dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt nhất ở ĐH Stony Brook (2014). - Giải thưởng sinh viên xuất sắc nhất khoa Toán, ĐH Stony Brook (2013, 2014). |