Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định,nhiều sản phẩm đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” đã đóng góp quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Đóng góp quan trọng vào chuyển đổi số quốc gia
Thông tin với các cơ quan truyền thông tại cuộc họp báo công bố, phát động giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2023 được Bộ TT&TT và VCCI tổ chức ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức giải thưởng nêu rõ, giải thưởng là một trong những hoạt động cụ thể để triển khai Chỉ thị 01 ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Giải thưởng nhằm tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thực hiện tốt chủ trương “Make in Viet Nam”, đồng thời hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh xuất sắc của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho hay, bắt đầu được tổ chức từ năm 2020, đến nay giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy tích cực sự phát triển của ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Nhiều sản phẩm đạt giải đã đóng góp quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Do vậy, các sản phẩm, giải pháp đã được phổ biến, ứng dụng trên toàn quốc; có những sản phẩm đã góp phần thay đổi lớn cuộc sống ở những bản làng xa xôi, khó khăn mà trước đây chúng ta suy nghĩ phải rất lâu nữa mới có thể giải quyết được.
“Người dân có thể tiếp cận với dịch vụ số mọi lúc, mọi nơi, với chi phí phù hợp; được tiếp cận với những dịch vụ y tế qua các giải pháp tư vấn sức khỏe từ xa; được tiếp cận với những thầy giáo, cô giáo, học liệu tốt nhất thông qua câu chuyện học tập trực tuyến; và có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi thông qua các nền tảng trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp từ giải thưởng Make in Viet Nam
Ở góc độ doanh nghiệp đã tham gia và đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” qua các năm, đại diện MISA và FPT Smart Cloud đều đánh giá cao ý nghĩa của giải thưởng này đối với ngành công nghiệp ICT Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà nói riêng.
Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt cho rằng, giải thưởng được tổ chức cũng đã khởi động phong trào tự cường về công nghệ, phát triển những công nghệ cốt lõi để tham gia thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Là doanh nghiệp tham gia tích cực vào giải thưởng từ những ngày đầu, đến nay FPT đã có khoảng hơn 200 sản phẩm Make in Viet Nam, đang được cung cấp không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nơi trên thế giới. Riêng FPT Smart Cloud có 2 sản phẩm đạt giải thưởng Make in Viet Nam ở 2 mảng công nghệ cốt lõi nhất của công nghiệp 4.0, đó là giải Vàng năm 2022 dành cho nền tảng FPT Smart Cloud và giải thưởng năm 2020 với nền tảng số FPT.AI.
Nhấn mạnh giải thưởng là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho đội ngũ làm công nghệ, ông Lê Hồng Việt còn cho biết, qua sự lan tỏa của giải thưởng, các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ Việt đã được khách hàng, người dùng ghi nhận và đánh giá cao.
Theo phân tích của đại diện FPT Smart Cloud, trước đây, khi nói đến các sản phẩm CNTT, nhiều người thường nghĩ đến các sản phẩm của nước ngoài là chính. Còn hiện nay, nhiều khách hàng của FPT đã bắt đầu nghĩ đến các sản phẩm của Việt Nam, coi các sản phẩm Việt Nam là sự khác biệt, giúp họ cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như tiến ra nước ngoài.
“Chúng ta đi ra ngoài, cạnh tranh với các nhà khổng lồ về công nghệ bởi những sản phẩm, giải pháp do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Chúng tôi nhận thấy thương hiệu Make in Viet Nam trong ngành CNTT có sức ảnh hưởng ngày càng lớn tới các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội”, đại diện FPT Smart Cloud chia sẻ.
Thông tin về bước phát triển của các sản phẩm sau khi đạt giải thưởng Make in Viet Nam, ông Lê Hồng Việt cho biết, FPT Smart Cloud đang chứng kiến tăng trưởng gấp đôi (200%) về mặt doanh thu và số lượng người dùng mỗi năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ của FPT Smart Cloud liên tục được nâng cấp, phát triển các tính năng mới.
Trong đó, số sản phẩm phát triển trên nền tảng FPT.AI đã tăng từ 10 ở thời điểm bắt đầu tham gia giải, lên con số 20 sản phẩm hiện nay, góp phần đưa trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau, từ trải nghiệm khách hàng đến nâng cao năng suất lao động.
Với FPT Cloud, số dịch vụ cung cấp đã tăng từ 50 dịch vụ lên 80 dịch vụ, giúp các doanh nghiệp có thể thiết lập hạ tầng linh hoạt, dễ dàng tích hợp và triển khai các công nghệ tiên tiến vào công tác vận hành và kinh doanh, từ đó gia tăng sức cạnh tranh.
“Quan trọng hơn hết, tập khách hàng của chúng tôi đã phát triển lên hàng nghìn. Trong năm 2022 và 2023, chúng tôi cũng nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế. Đến nay, khoảng 15 nước có khách hàng sử dụng sản phẩm, giải pháp của chúng tôi, như Nhật Bản, Đông Nam Á, Trung Đông”, ông Lê Hồng Việt chia sẻ thêm.
Tương tự, với MISA, theo Phó Tổng giám đốc thường trực Lê Hồng Quang, giải thưởng đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đến cuối năm 2023, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS dự kiến tăng trưởng gấp 5 lần so với lần đầu đạt giải năm 2021. MISA AMIS hiện cũng có khoảng 60.000 doanh nghiệp tin dùng. Cùng với đó, MISA FinGov 6 tháng đầu năm nay đạt tăng trưởng khoảng hơn 20%. “Đặc biệt, chúng tôi bước đầu đã mang phần mềm Make in Việt Nam ra cung cấp tại thị trường nước ngoài, đạt doanh thu khoảng 2 triệu USD”, ông Lê Hồng Quang cho hay.
Đại diện MISA đề xuất Ban tổ chức thời gian tới truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về các sản phẩm đạt giải Make in Viet Nam, giúp gia tăng uy tín và tôn vinh cho các sản phẩm Việt.