Từ đầu tháng 4 tới nay, không ít cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp đã tăng giá mạnh - vượt trội so với mức tăng 11,4% của VN-Index.
Mùa công bố báo cáo tài chính quý 2 đã chính thức bước vào giai đoạn cao điểm. Sự phân hóa là điều có thể nhìn thấy ở nhóm thép, chứng khoán và bất động sản với tỷ trọng lớn thiên về chiều hướng giảm tăng trưởng.
Riêng nhóm bất động sản, mặc dù thị trường địa ốc chưa thực sự khỏe lại song kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp mảng công nghiệp vẫn gần như "không hề hấn gì".
Ghi nhận, những công ty đầu tiên công bố báo cáo tài chính như nhóm Sonadezi, nhóm VRG,... hầu hết đã ghi nhận kết quả vượt trội so với cùng kỳ và đa số hoàn thành trên 50% kế hoạch cả năm.
CTCP Sonadezi Giang Điền (Mã SZG) đạt doanh thu thuần 250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 103 tỷ sau 6 tháng - tăng lần lượt 44% và 120% YoY. Công ty đã hoàn thành hơn 91% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
CTCP Sonadezi Long Thành (Mã SZL) vừa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2023 với doanh thu tăng 3% lên 211 tỷ; lãi sau thuế tăng 16% lên 46 tỷ đồng, hoàn thành gần 51% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong quý 2, doanh thu của công ty chủ yếu đến từ các mảng cho thuê nhà xưởng, cho thuê đất, phí quản lý, kinh doanh nước, và kinh doanh xử lý nước. Tất cả các khoản thu này đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Đến cuối quý, hàng tồn kho của Sonadezi Long Thành tăng mạnh so với đầu năm lên mức 116 tỷ (chủ yếu là do chi phí san lấp và xây dựng các hạng mục dở dang thuộc Khu dân cư Tam An. Dự án này được công ty dự kiến triển khai bán hàng trong năm nay.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, SZL sẽ triển khai xây dựng và tiếp thị cho thuê nhà xưởng thuộc cụm xưởng giai đoạn 4 và 5; cho thuê đất dịch vụ tại Khu công nghiệp Long Thành đồng thời, triển khai các dịch vụ kèm theo như cung cấp nước, dịch vụ xử lý nước thải và trạm xăng dầu Khu công nghiệp Long Thành.
Với CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã SZC), quý 2, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% YoY lên mức 288 tỷ; lãi ròng tăng 57% đạt 96 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, SZC thu về 351 tỷ đồng doanh thu thuần và 108 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - đạt 51% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico (Mã HTI) cũng ghi nhận mức tăng trưởng kinh doanh nhẹ với 111 tỷ đồng doanh thu và gần 15 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 7% và tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, Hạ tầng Idico đạt 216,3 tỷ doanh thu và 28,6 tỷ đồng lãi ròng, đều nhỉnh hơn bán niên 2022.
Một "ông lớn" khác thuộc lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã NTC) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 dù ghi nhận doanh thu thuần giảm 27% còn đạt 60 tỷ song nhờ doanh thu tài chính tăng 59% nên lợi nhuận sau cùng vẫn tăng 5,6% lên mức 75,5 tỷ đồng.
Sau 6 tháng, công ty đạt 118 tỷ đồng doanh thu thuần và 155,3% lãi sau thuế; biên lãi ròng ở mức 132%.
CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã TIP) cũng báo lãi sau thuế quý 2 tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 15,2 tỷ đồng. Sau 2 quý, doanh thu thuần của TIP giảm 9% về 69,8 tỷ song lãi ròng tăng 59% lên mức 28 tỷ đồng.
Thị trường hiện đang chờ tin báo báo tài chính từ một số doanh nghiệp lớn khác như Đô thị Kinh Bắc (Mã KBC), Công nghiệp Tân Tạo (Mã ITA), Hodeco (Mã HDC), ...
Cổ phiếu âm thầm tăng giá, còn dư địa tăng thêm?
Từ đầu tháng 4 tới nay, không ít cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp hoặc có liên quan đến khu công nghiệp đã tăng giá mạnh - vượt trội so với mức tăng 11,4% của VN-Index. Có thể kể đến: Cổ phiếu KBC ghi nhận mức tăng 34,2%, TIP tăng 35,6%, ITA tăng 37,9%, SIP tăng 48,4%, HDC tăng 51,5%, NTC tăng 52,2%,...
Diễn biến giá cổ phiếu SIP (xanh) và KBC (đỏ) |
Cùng với động thái tích cực của dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp phần nào đã phản ánh kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 vừa qua.
Theo số liệu mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước tiếp tục duy trì đà tăng trên mức 80%. Khu vực phía Nam dẫn đầu cả nước với tỷ lệ trung bình 85%.
Theo dự báo của VARs, việc hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành hoặc chuẩn bị khởi công trên toàn quốc cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản công nghiệp thời gian tới.
Nguồn: SSI Research |
Báo cáo cập nhật của Chứng khoán MB (MBS) mới đây nhận định, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp miền Bắc sẽ hưởng lợi nhiều hơn (từ nguồn vốn FDI tăng mạnh và sự chuyển dịch của nhà xưởng nhờ vị trí chiến lược (gần Trung Quốc), cơ sở hạ tầng tốt, chi phí thuê thấp) so với khu vực miền Nam.
Theo MBS, năm 2023, kết quả kinh doanh của nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp có thể suy giảm bởi nhiều yếu tố bao gồm cả chi phí lãi vay tăng khi nhiều doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn lớn trong thời gian vừa qua. Điều này đem đến sức ép chi phí tài chính không nhỏ và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng.
Theo đó, triển vọng đầu tư cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong năm nay sẽ tập trung vào doanh nghiệp có quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê trong dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Công ty chứng khoán đặc biệt nhấn mạnh vào các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp và hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
MBS khuyến nghị 3 cổ phiếu gồm: KBC, NTC và SIP.
Sonadezi (SNZ) thoái vốn bất thành tại Amata Biên Hoà
4 khu công nghiệp tại Đồng Nai được đề xuất tăng giá đất từ 17-43%