Cổ phiếu DIG, DXG nằm sàn, VN-Index giảm 15 điểm
Sau phiên hồi phục kỹ thuật ngày 4/10, thị trường chứng khoán lại quay đầu giảm mạnh. Nhiều largecap nhóm bất động sản như DIG, DXG, NVL tiếp tục bị bán lớn.
15h:
Kết phiên giao dịch, các chỉ số đều bị kéo về mức thấp nhất ngày sau khi chịu thêm áp lực bán phiên ATC. Toàn bộ nỗ lực tăng điểm của phiên trước đó "bốc hơi" trong phiên này.
VN-Index giảm gần 15 điểm về mức 1.114; HNX-Index giảm 2,2 điểm còn 228 điểm.
Lực bán ở nhóm cổ phiếu bất động sản mạnh lên khiến DXG, DIG đóng cửa giảm sàn, CEO giảm cận sàn, NVL giảm 5,5%,... Khá bất ngờ khi các cổ phiếu nhà Vingroup chỉ giảm nhẹ dưới 1,1%
Cả nhóm ngân hàng và chứng khoán đều giảm giá trong đó VCB, BID, CTG, TCB lấy của VN-Index gần 5 điểm. Nhóm chứng khoán cũng đóng cửa với 23 mã giảm trong đó VIX giảm cận sàn.
Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh so với phiên trước còn gần 15.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 700 tỷ đồng với tâm điểm tại các cổ phiếu POW, CTG, HDB, SSI, VIC,...
Xem thêm: 1 cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch trên sàn HNX
14h18:
VN-Index chịu áp lực bán gia tăng sau giờ nghỉ trưa. Thời điểm sau 14h, có thời điểm chỉ số giảm hơn 12 điểm trước khi thu hẹp phần nào biên độ. Sắc đỏ xuất hiện trên diện rộng song lực bán diễn ra không quá gắt ở bất kỳ nhóm ngành nào.
Phe mua tỏ ra hờ hững khiến thanh khoản trên cả 3 sàn chỉ đạt 12.100 tỷ đồng.
Cổ phiếu DIG, DXG nhấp nháy giá sàn trong khi NVL cũng giảm 4% về mốc 14.000 đồng/cp. Một số gương mặt bất động sản khác như CEO, BCG, NVL, NKG, PDR, VIC,... cũng giảm trên 2%.
Các nhóm thép, chứng khoán, phân bón,... cũng chịu áp lực bán lớn.
Dấu ấn tăng giá nổi bật nhất lúc này là mức tăng gần 6% của cổ phiếu HAG (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Thanh khoản vượt trở lại trung bình 20 phiên, đạt gần 17 triệu đơn vị.
11h30:
Kết phiên sáng, thị trường chứng khoán phân hóa với sắc đỏ 2,37 điểm của VN-Index và 0,4 điểm của UPCoM-Index trong khi chỉ số đại diện sàn HNX tăng nhẹ 0,93 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên các bảng điện tử và rổ VN30.
Với lực kéo VHM, KBC, SSI, chỉ số các nhóm bất động sản và chứng khoán cùng chuyển xanh trở lại. GVR là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường với mức tăng 3,8% (góp cho VN-Index gần 0,8 điểm). Ngược lại, GAS, BID, VCB là 3 mã tiêu cực nhất khi lấy đi tổng cộng gần 2,6 điểm.
Nhóm phân bón - hóa chất, vận tải biển, hạ tầng - xây dựng ghi nhận trạng thái tích cực. Một số cổ phiếu đáng chú ý phiên sáng nay có PSI (+5,3%), LAS (+4%), KBC (+3,3%), ITA (+2,9%) CTD (+3%), FCN (+1,3%), HAH (+2,5%), VOS (+1,9%), GMD (+1,7%), VHC (+2,1%),...
Cổ phiếu VGC của Viglacera (doanh nghiệp nhóm Gelex) được kéo lên mức giá trần 50.700 đồng/cp. Ngược lại, cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding bị bán về mức cận sàn 10.600 đồng/cp.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh còn chưa đầy 5.500 tỷ đồng; giá trị giao dịch nhóm VN30 ghi nhận dưới 1.500 tỷ. Khối ngoại chuyển hướng bán ròng 335 tỷ đồng trên toàn thị trường với lực bán tập trung ở nhóm chứng khoán (VIX, SSI, VND).
10h30:
VN-Index chuyển đỏ sau thời điểm 10h. Đến 10h30, chỉ số đang giảm hơn 4 điểm và lùi về dưới mốc 1.125. Giá trị giao dịch trên 3 sàn chỉ vỏn vẹn hơn 3.500 tỷ đồng.
Rổ VN30 có 17 mã tăng giá và 7 mã giảm giá; tăng mạnh nhất có GVR (+1%) và giảm mạnh nhất là BCM (-2,2%). Các mã lớn như VCB, BID, VIC, VNM, HPG, STB đang giảm từ 0,5 - 1,3%.
Sắc xanh của thị trường thu hẹp mạnh, các chỉ số nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều giảm điểm.
10h05:
Cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding (doanh nghiệp nhựa) nhanh chóng được đẩy lên mức giá trần chỉ ít phút đầu phiên. Tuy nhiên, bất ngờ đã diễn ra khi ngay sau đó mã bị bán về mức giá sàn và hồi lại tham chiếu 11.300 đồng ngay lúc 10h; khối lượng giao dịch ghi nhận 1,25 triệu cp.
Đáng chú ý, phe mua chủ động vẫn chiếm tỷ trọng giao dịch áp đảo với hơn 85%. Chỉ báo MCDX vẫn có thấy sức mạnh giao dịch rất lớn của các dòng tiền cá mập.
Xem thêm: VN-Index tăng sớm, cổ phiếu chứng khoán - thủy sản giao dịch tích cực
9h45:
Thị trường chứng khoán mở cửa tăng hơn 3 điểm và vượt mốc 1.130. Các chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng tăng sớm sau ATO.
Sắc xanh đang ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành bao gồm cả chứng khoán và bất động sản. Chỉ số nhóm ngân hàng đang giảm nhẹ trước sức ép của VCB.
Các cổ phiếu thủy sản đang tăng mạnh nhất thị trường với VHC (+3%), ANV (+1,8%), FMC (+1%), IDI (+2,2%), CMX (+1,4%),...
Ở nhóm khai khoáng, cổ phiếu KSV được kéo lên mức giá trần 40.700 đồng/cp; nhóm dầu khí họ P gồm PVS, PVD, PVC, PVB đang tăng nhẹ bất chấp thông tin giá dầu thế giới mạnh mạnh gần 6%.
Hầu hết cổ phiếu nhóm chứng khoán đang tăng giá ngoại trừ HAC giảm 2,2%. Cổ phiếu PSI tiếp tục tăng cận trần, giá vượt 10.000 đồng/cp; các mã BVS, SSI, FTS, SHS, HCM, VIX cũng tăng trên 1%.
Sau phiên hồi kỹ thuật trước đó khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tại vùng 1.100 - 1.110 điểm, tâm lý bi quan của nhà đầu tư phần nào được cởi bỏ. Tuy nhiên, thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp với chỉ 17.300 tỷ đồng.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường vẫn còn tâm lý dè chừng. Trong những phiên giao dịch tới, VN-Index có thể theo quán tính tiếp tục tăng điểm nhưng có khả năng sẽ gặp phải lực cản tại ngưỡng 1.140 điểm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.10x đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số ghi nhận nhịp hồi phục đầu tiên sau một nhịp giảm sâu.
Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục của VN-Index vẫn đang hiện hữu song áp lực điều chỉnh sẽ sớm quay trở lại khi chỉ số tiếp cận ngưỡng cản gần đáng lưu ý quanh 1.14x. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục hạ vị thế nắm giữ về mức an toàn quanh ngưỡng kháng cự đã đề cập.