Kết tuần giao dịch từ 30/5 - 3/6/2022, VN-Index dù tiếp tục duy trì nhịp hồi phục song đà tăng là rất yếu. Chỉ số nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,6% qua đó tiếp tục cầm chân thị trường.
Kết tuần giao dịch từ 30/5 - 3/6/2022, VN-Index tăng 0,2% lên 1.287,98 điểm, HNX-Index giảm 0,2% xuống 310,48 điểm.
Nổi bật tuần qua là "sóng" xuất hiện ở nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa trong khi các nhóm cổ phiếu "trụ cột" chính được xem là xương sống của thị trường vẫn chưa khởi sắc.
Cụ thể, cổ phiếu dược phẩm và y tế mất 1,7% giá trị vốn hóa, ngân hàng giảm 1,6%, tài chính giảm 0,6%, nguyên vật liệu giảm 0,3%.
Đưa ra ý kiến trước câu hỏi "Giữa bối cảnh thị trường hàng hoá tiềm ẩn nhiều biến động, nhà đầu tư có nên tiếp tục "trú ẩn" vào nhóm cổ phiếu này?", ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho biết: "Xét về mặt lý thuyết, cá nhân tôi cho rằng việc luân chuyển vào các nhóm cổ phiếu có liên quan đến hàng hóa, vật liệu là diễn biến rất bình thường, theo đúng mô hình luân chuyển nhóm ngành như đã từng chia sẻ.
Tuy nhiên nhà đầu tư tham gia các nhóm ngành này cần rất chú ý: Trong giai đoạn lạm phát cao, thị trường cổ phiếu khó mà diễn biến tốt được; cần xem xét kỹ giá các loại hàng hóa đó có khả năng tạo đỉnh hay chưa và mức biến động của các nhóm cổ phiếu này là rất lớn do đó cần quản trị rủi ro chặt khi tham gia".
Bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá: " Tuần qua, những nhóm ngành có ảnh hưởng lớn đến thị trường như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán hầu như không có sự đột phá. Thay vào đó, những nhóm ngành dự báo sẽ hưởng lợi từ diễn biến lạm phát thế giới cũng như hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị duy trì mức tăng điểm rất tích cực. Đây cũng là những ngành dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý II/2022 khả quan hơn so với diễn biến chung của thị trường. Dù vậy, mức tăng giá nhanh đã đưa nhóm này về vùng định giá hợp lý, và đang bắt đầu được chốt lời.
Đối với ngành ngân hàng, dự báo nhóm vẫn có một năm tăng trưởng tích cực về mặt lợi nhuận. Dù vậy, định hướng nắn dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, và kiểm soát hoạt động cho vay ở những mảng đầu tư có dấu hiệu bong bóng hay thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu đang tạo nên tâm lý phòng thủ trong ngắn hạn của nhà đầu tư ở nhiều nhóm ngành. Điều này đã đưa định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng về vùng hợp lý hơn cho việc nắm giữ trung – dài hạn. Do vậy, lựa chọn một vài cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn cũng là lựa chọn hợp lý.
Đánh giá về cơ hội - rủi ro ở nhóm ngân hàng hiện tại, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán VNDirect cho rằng, dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, các cổ phiếu sẽ ít vận động theo xu hướng ngành mà là từng câu chuyện riêng lẻ. Vì vậy, nhóm ngành chứng khoán hay ngân hàng cũng sẽ có những cổ phiếu phục hồi tốt hơn nhờ những câu chuyện như: Lợi nhuận duy trì tăng trưởng mạnh, bán cổ phần cho đối tác chiến lược,…
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment đánh giá, nếu đầu tư ngắn hạn thì rất rủi ro khi mà thị trường đi vào vùng kháng cự với dòng tiền yếu, một khi kháng cự chưa được vượt qua thì đứng ngoài quan sát, thậm chí tranh thủ cơ cấu danh mục trong lúc này tốt hơn là giải ngân mới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhóm ngân hàng và chứng khoán có thể sẽ hồi phục theo đà tăng của thị trường nhưng đà hồi phục sẽ rất yếu và chưa thể bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững như thời điểm năm 2021. Do đó, các nhà đầu tư chưa nên mua vào hai nhóm cổ phiếu này hoặc nếu có thì chỉ nên mua với tỷ trọng rất thấp khi mức định giá đang thấp hiện nay.
"Nhìn chung, tôi đánh giá rủi ro của hai nhóm cổ phiếu này thì đã giảm nhưng rủi ro vẫn đang còn cao hơn cơ hội".