Cổ phiếu VNDirect (VND) được một CTCK nhận định có tiềm năng tăng 33%
Cổ phiếu VND tăng trần trong phiên 4/2, chạm 12.400 đồng/cp. Trước đó, VND trải qua giai đoạn giảm sâu gần 50% từ tháng 3/2024 - 1/2025. CASC nhận định, VNDirect đang có những cải thiện đáng kể nhằm lấy lại vị thế, với mức định giá tiềm năng tại 16.000 đồng/cp.
Thời điểm 14h phiên giao dịch ngày 4/2, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect tăng trần lên 12.400 đồng/cp, dẫn đầu thanh khoản thị trường với 17,8 triệu đơn vị khớp lệnh. Đồng thời, lượng dư mua giá trần lên đến 5,3 triệu đơn vị. Đây là phiên trần thứ 2 của cổ phiếu này sau 9 phiên giao dịch.
Cổ phiếu VND tăng trần trong phiên 4/2 |
Trước đó, VND trải qua giai đoạn downtrend kéo dài từ tháng 3/2024 đến tháng 1/2025, khiến thị giá giảm từ vùng 21.000 đồng/cp về sát 11.000 đồng/cp, mất gần 50% giá trị. Cùng thời gian này, thị phần môi giới của VND liên tục bị thu hẹp trước các đối thủ, trong bối cảnh lo ngại về khả năng thanh toán trái phiếu của Trung Nam.
Cụ thể, trong quý IV/2024, thị phần công ty giảm còn 5,08% so với 5,7% ở quý trước. Tính chung cả năm 2024, thị phần VNDirect giảm từ 7,01% (năm 2023) xuống còn 5,87%, khiến công ty rơi 3 bậc xuống vị trí thứ 6, nhường chỗ cho TCBS, HSC và Vietcap. Trước đó, ngày 24/3/2024, hệ thống VNDirect bị tấn công, khiến toàn bộ website và ứng dụng giao dịch tê liệt. Đồng thời, Trung Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với khoản lỗ sau thuế 2.878 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 252 tỷ đồng và năm 2021 lãi 1.635 tỷ đồng.
Dù vậy, VNDirect vẫn khép lại năm 2024 với kết quả tương đối khả quan: Doanh thu hoạt động đạt 5.324 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.718 tỷ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch năm.
VNDirect - Con đường lấy lại vị thế
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Thủ đô (CASC) nhận định VND đang tiếp tục chuyển đổi số để tinh gọn bộ máy vận hành, giúp tiết kiệm chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý. Công ty sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống, rà soát và khắc phục các lỗ hổng bảo mật nhằm lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư, qua đó kỳ vọng gia tăng thu nhập từ dịch vụ môi giới cốt lõi.
Về mảng trái phiếu, việc Trung Nam vừa mua lại trước hạn một phần giá trị của 6 lô trái phiếu đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Ảnh minh họa |
Về mảng tự doanh, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu niêm yết của VND có 2 mã chiếm tỷ trọng lớn là VPB và HSG. Trong đó, HSG đang có diễn biến giá tiêu cực, khiến danh mục nắm giữ của VND chưa đạt hiệu quả, với mức tạm lãi khiêm tốn 36 triệu đồng. Tuy nhiên, vào đầu năm mới, nhiều dự án khởi công hoặc tiếp tục triển khai có thể thúc đẩy giá thép tăng trở lại, qua đó kỳ vọng mang về 20 - 25% lợi nhuận cho HSG, góp phần nâng doanh thu cho VND.
Cổ phiếu VPB dao động trong vùng giá 17.000 - 20.000 đồng/cp suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, với lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, kết hợp với quá trình tái cơ cấu GPBank, thị giá VPB được kỳ vọng đạt 24.000 đồng/cp, thậm chí có thể vượt đỉnh lịch sử ở mức 31.000 đồng/cp.
Đối với chứng chỉ quỹ và cổ phiếu chưa niêm yết, mã C4G hiện giao dịch ở vùng giá thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng tốt khi các dự án đầu tư công được đẩy mạnh.
Dựa trên các yếu tố trên, CASC định giá VND ở mức 16.000 đồng/cp trong 6 - 10 tháng tới, cao hơn 33% so với giá đóng cửa cuối năm 2024 là 12.000 đồng/cp.
Về Trung Nam, sau năm 2023 kinh doanh kém khả quan đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Bên cạnh việc thanh toán trước hạn nhiều trái phiếu, CTCP Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (thành viên của Tập đoàn Trung Nam) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận ròng đạt 114,5 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023.