Doanh nghiệp

Cơ quan điều tra kiến nghị giám sát dòng tiền trái phiếu từ vụ Tân Hoàng Minh

T Nhung 02/10/2023 - 07:02

Hoàn hành kết luận điều tra vụ Tân Hoàng Minh, CQĐT kiến nghị cần bổ sung quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu, có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu…

CQĐT vừa kết thúc điều tra vụ Tân Hoàng Minh. Theo lời khai của các cá nhân liên quan tại SHB, SHB Trung tâm Kinh doanh và Tân Hoàng Minh là các đơn vị đối tác, có mối liên hệ từ nhiều năm trước, liên quan việc cấp tín dụng.

Việc quản lý tài sản bảo đảm và quản lý tài khoản của các gói trái phiếu là các dịch vụ thông thường mà SHB Trung tâm Kinh doanh cung cấp cho khách hàng.

Việc quản lý tài sản bảo đảm và quản lý tài khoản trái phiếu không phải là nghiệp vụ cấp tín dụng hay bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu bảo lãnh phát hành.

Khi nhận tài sản đảm bảo của trái phiếu Ngôi sao Việt 800 tỷ đồng và Soleil 800 tỷ đồng, SHB Trung tâm Kinh doanh chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định của các đơn vị thẩm định giá để ký hợp đồng quản lý tài sản với các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đối với dịch vụ quản lý tài khoản thanh toán gói Ngôi sao Việt 800 tỷ đồng và Soleil 800 tỷ đồng, các công ty này đều gửi yêu cầu rút vốn theo đúng thỏa thuận với SHB Trung tâm Kinh doanh và việc chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu là đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu.

Các bị can vụ Tân Hoàng Minh.

Tương tự, tại Ngân hàng VietinBank Tây Thăng Long, những người liên quan ở ngân hàng này cũng khai rằng, đối với việc nhận quản lý tài sản bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu, VietinBank Tây Thăng Long ký hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng thế chấp có đăng ký giao dịch đảm bảo, quản lý bản gốc giấy tờ pháp lý và chứng minh sở hữu tài sản.

Do đây là dịch vụ cung cấp cho bên thứ 3, không phải là nghiệp vụ cho vay nên không phải thẩm định tính pháp lý, thẩm định hoặc tái thẩm định giá trị các tài sản nhận quản lý. Do vậy, chi nhánh dựa vào kết quả thẩm định của các công ty thẩm định giá để xác định giá trị các tài sản nhận quản lý của các tổ chức phát hành.

Tại VietcomBank Chi nhánh Thanh Xuân, các cá nhân liên quan gồm bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp) và ông Phạm Thành Trung (Phó giám đốc) khai: Chi nhánh đã mở tài khoản trái phiếu cho Công ty Cung điện mùa đông để quản lý, giám sát dòng tiền trái phiếu đảm bảo theo đúng mục đích phát hành.

Quá trình quản lý tài khoản trái phiếu, công ty này đã gửi giấy đề nghị rút vốn, tài liệu liên quan mục đích rút vốn và được Chi nhánh phê duyệt chuyển tiền theo đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu là đặt cọc mua cổ phần đứng tên Phùng Thị Mai và Lưu Hoàng Anh.

Số tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu sau đó được luân chuyển, rút nộp như thế nào, phía ngân hàng không theo dõi do không có thỏa thuận quản lý với khách hàng như quản lý tài khoản trái phiếu. Do đó, Chi nhánh không biết được việc dòng tiền luân chuyển để hợp thức phương án phát hành, mua bán trái phiếu sơ cấp của các đối tượng tại Tân Hoàng Minh.

Kiến nghị của Cơ quan điều tra

Hoàn tất kết luận điều tra vụ Tân Hoàng Minh, CQĐT kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn.

CQĐT cũng kiến nghị NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cần quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm, không ỉ lại chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá (trong khi các ngân hàng đều có bộ phận thẩm định và quản lý rủi ro để đánh giá tính hợp pháp, khả thi của các loại tài sản bảo đảm trái phiếu.

Cần giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.

CQĐT cũng kiến nghị NHNN yêu cầu các ngân hàng VietinBank, VietcomBank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi sao Việt, Soleil, Cung điện mùa Đông.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan.

CQĐT cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu, có quy định về tài khoản trái phiếu chỉ dành cho mục đích phát hành trái phiếu và phải có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu.

Việc này nhằm phòng ngừa hành vi chạy dòng tiền “khống” để hợp thức phương án phát hành và tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu. Cần gắn trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ liên quan phát hành trái phiếu.

CQĐT kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch công khai, minh bạch;

Đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.

Sắp xét xử 17 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại biểu Quốc hội: Tân Hoàng Minh nộp khắc phục 8.000 tỷ đồng, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng phải gửi vào kho bạc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/co-quan-dieu-tra-kien-nghi-giam-sat-dong-tien-trai-phieu-tu-vu-tan-hoang-minh-2196332.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cơ quan điều tra kiến nghị giám sát dòng tiền trái phiếu từ vụ Tân Hoàng Minh
    POWERED BY ONECMS & INTECH