Trong bối cảnh thị trường liên tục gặp khó sau những phiên chỉnh mạnh, một số nhận định của chuyên gia chứng khoán rằng thị trường có thể giảm về mức 950 điểm tiếp tục gây hoang mang cho nhiều nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán trong nước thời gian vừa qua đã có nhịp phục hồi, sau khi VN-Index giảm điểm từ mức đỉnh 1.530 xuống 1.170 điểm, tương đương mức giảm gần 24%, là một trong những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới - chỉ sau Hungary và Nga.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho mức sụt giảm này, là từ bất ổn quốc tế tới những bất ổn riêng của thị trường trong nước, nhà đầu tư trên thị trường cũng mang tâm lý lo ngại các rủi ro. Điều này được thể hiện qua giá trị thanh khoản trung bình tháng vừa qua chỉ trong khoảng 15.000 tỷ đồng - tương đương với cuối năm 2020 - thời gian trước khi bùng nổ giá trị thanh khoản bởi sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0.
Có thể thấy, những biến số liên quan đến chiến tranh, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, hay những đánh giá về nguy cơ suy thoái trên thị trường là những vấn đề đang được nhà đầu tư đang quan tâm hiện nay.
Cùng với đó, có những nhận định của các chuyên gia rằng, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục giảm về mức 950 điểm gây hoang mang cho nhiều nhà đầu tư.
Đưa ra nhận định cá nhân về thị trường chứng khoán mới đây, ông Lê Ngọc Hải - CEO Công ty Công nghệ Đầu tư Finbox cho rằng, nhận định "VN-Index rơi về vùng 950 điểm" của một vài chuyên gia là thiếu cơ sở. Theo ông Hải, thị trường đã bước sang một con sóng mới, điều chỉnh là cơ hội mua.
"Giai đoạn hồi phục vừa qua, thị trường đi lên bằng cách tạo đáy chữ V. Đây là mẫu hình bị nén thời gian quá gấp nên chưa thể hấp thụ hết lượng cung một cách tự nhiên. Hầu hết các cổ phiếu cũng chưa đủ thời gian để thiết lập các nền tích lũy mới. Tuy nhiên, để VN-Index rơi về vùng 950 điểm là rất khó mà hợp lý nhất vẫn là thị trường tạo mẫu hình 2 đáy với đáy sau cao hơn hoặc tương đương đáy trước", vị CEO nhấn mạnh.
Trong hơn 20 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu loại đi giai đoạn sơ khai ban đầu và 2 sự kiện lớn là khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020 thì chưa có giai đoạn nào chỉ số giảm sâu quá 27% từ đỉnh.
Ông Hải nhấn mạnh: "Để VN-Index rơi về vùng 950 điểm thì phải có những thông tin rất xấu và bất ngờ như khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008 hay đại dịch covid năm 2020. Tôi cho rằng hiện nay không có những thông tin như vậy".
Theo ông Đỗ Anh Việt, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, thời gian trước đã có nhiều dự báo của các chuyên gia rằng VN-Index sẽ lên 1.600 - 1.800 điểm nhưng sau đó sụt giảm rất nhanh và mạnh xuống dưới mức thấp nhất là 1.170 điểm. Lúc này, lại xuất hiện các nhận định thị trường sẽ về mốc 950 điểm. Vậy chúng ta phải hiểu ở góc độ các chuyên gia nhận định là dựa trên cái gì?
Theo phân tích, lúc VN-Index đạt 1.500 điểm đã xảy ra các vụ việc điều tra làm trong sạch thị trường, cộng với việc trái phiếu có một số vấn đề phát sinh ngắn hạn, gây ra sự suy giảm dòng tiền ngắn hạn, có những dòng tiền rút ra đột ngột khiến thị trường giảm nhanh. Bên cạnh đó, các tác tin đồn tiêu cực, sai sự thật cũng gây nhiễu loạn thị trường,...
Cùng thời điểm đó, chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, giá dầu tăng cao, đẩy lạm phát tăng cao dẫn đến các nỗi lo liên tiếp xảy ra. Cộng thêm việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và giảm bảng cân đối kế toán, Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu có sự theo dõi đối với tín dụng ngân hàng,... Nhiều vấn đề xảy ra đi cùng với các động thái trên thị trường Việt Nam cùng một lúc đã tạo ra sự suy giảm đột ngột trên thị trường và các quỹ cũng nhìn thấy những rủi ro ngắn hạn nên bắt đầu thực hiện các nghiệp vụ để đảm bảo cân bằng rủi ro. Đó là những lý do tại sao thị trường chứng khoán đang từ nhận định xu hướng tăng lại lập tức đảo chiều quay ngược như vậy.
“Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tất cả những vấn đề này chỉ là khó khăn ngắn hạn, còn thực tế là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp hoạt động tốt thì vẫn là các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường”, ông Việt nhận định.
Như vậy đã gần 6 tháng đầu năm đã trôi qua, nhìn lại để thấy thị trường chứng khoán Việt Nam có một vấn đề đó là ảnh hưởng từ phân tích của các chuyên gia ở những thời điểm nhạy cảm, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã đóng sạch danh mục của mình khi thị trường trên đà đi xuống. Do vậy, những người tham gia thị trường cần giữ vững tâm lý, có sự nghiên cứu dưới góc nhìn độc lập của mình và đầu tư về lâu dài.
Về thị trường, tuy thanh khoản không còn được như vùng đỉnh nhưng vẫn gấp 3 - 4 lần so với 2018. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có những đợt thanh lọc thị trường rất mạnh tay trong năm nay. Mặc dù điều này có thể tạo ra tác động nhất định trong ngắn hạn nhưng chủ yếu ảnh hưởng nhóm cổ phiếu đầu cơ. Còn về dài hạn đây chắc chắn là tin tốt cho thị trường và tốt cho những cổ phiếu có nền tảng cơ bản.
Chia sẻ về cách tìm kiếm cơ hội trong thị trường giai đoạn này, ông Hải cho biết: "Năm 2022 rõ ràng là một năm khó khăn. Thị trường nhiều khả năng chỉ có những đợt tăng ngắn sau đó lại xen kẽ những đợt điều chỉnh. Nhà đầu tư cần phải thay đổi chiến lược đầu tư cho phù hợp.
Nhà đầu tư nên sử dụng chỉ báo điểm mua Pullback hay còn gọi là điểm mua điều chỉnh. Chỉ báo này sẽ rất hữu dụng trong một giai đoạn thị trường có nhiều đợt điều chỉnh. Nó an toàn hơn so với việc mua đuổi cổ phiếu ở mức giá cao. Cách dùng chỉ báo Pullback hiệu quả nhất là kết hợp với chỉ báo sức mạnh dòng tiền. Mục tiêu ở đây là tìm kiếm các cổ phiếu có sức mạnh dòng tiền đang khỏe hơn thị trường chung bất chấp downtrend. Sau đó, tìm các điểm mua Pullback để tham gia một cách an toàn".
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm