Không chỉ có vai trò như nơi vãn cảnh, tuyến đường giao thông thủy hay một ngư trường, con sông còn hiện diện trong đời sống của người dân.
Thời gian gần đây, báo chí đưa tin một người đàn ông ở Bạc Liêu gửi đơn tới UBND tỉnh Bình Thuận và cơ quan chức năng xin khai thác kho báu 3 tấn vàng dưới dòng sông Cà Ty.
"Ông tổ gia đình tôi đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty. Do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn", đơn của ông trình bày.
Về phương án thăm dò trước khi tiến hành các bước khai thác, đơn của ông nêu: "Tôi xin đi thẳng vào khai thác mà không cần thăm dò với lý do tôi đã xác định được địa điểm chính xác."
Người đàn ông cho biết nhiều năm qua, ông đã theo đuổi và hiện chỉ một mình ông biết tọa độ, vị trí chính xác của kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty. Nếu được cho phép, thời gian dự kiến khai thác kho báu sẽ từ ngày 1/5-10/5/2024 hoặc từ ngày 10/2/2025-20/2/2025 và ông sẽ phối hợp với 3 công ty xây dựng là đối tác để khai thác.
Đối với biện pháp an toàn trong khai thác, ông đề nghị cử 10 cán bộ công an bảo vệ an toàn trong thời gian khai thác và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được để đưa tài sản về Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận. Người đàn ông cũng yêu cầu cử 2 cán bộ có kinh nghiệm xử lý chất nổ để xử lý nếu phát hiện chất nổ và tất cả chi phí đều do ông bỏ ra.
“Tôi xin cam kết nếu được sự cho phép tôi sẽ ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận, số tiền là 500 triệu đồng và xin nhận lại sau khi bàn giao mặt bằng như hiện trạng ban đầu. Tài sản khai thác được tôi xin nhận 30% tổng tài sản thu được, 70% còn lại tôi xin bàn giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận để các cấp lãnh đạo xử lý”, ông nêu rõ.
Chảy ra biển Đông qua cửa biển Cồn Chà, sông Cà Ty là dòng sông gắn liền với lịch sử của thành phố Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận. Với chiều dài 65km, dòng sông này tạo nên nhiều khung cảnh đẹp cho thành phố vùng Nam Trung Bộ. Đó là vẻ bình yên của những ngôi nhà ẩn sau vườn cây xanh tốt, hay những con thuyền màu sắc tươi sáng neo đậu bên bờ sông.
Ở khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết, sông Cà Ty thể hiện sức sống của một đô thị đang phát triển mạnh mẽ với những cây cầu mới hiện đại, bờ kè khang trang thay cho khu nhà chồ tạm bờ từng tồn tại trong nhiều thập niên. Hình ảnh tháp nước Phan Thiết soi bóng xuống dòng sông Cà Ty đã trở thành một biểu tượng bất hủ, ghi dấu vào tâm thức của nhiều thế hệ cư dân sinh ra và lớn lên ở thành phố này.
Không chỉ có vai trò như nơi vãn cảnh, tuyến đường giao thông thủy hay một ngư trường, sông Cà Ty còn hiện diện trong đời sống của người dân Phan Thiết qua những nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương như hoạt động thả hoa đăng, lễ hội Nghinh Ông, đua thuyền...
Theo các tư liệu lịch sử, xưa kia dòng sông có tên là Mường Mán, về sau mới được gọi là sông Cà Ty. Cho đến nay, không ai biết được chính xác cái tên này bắt nguồn từ đâu. Theo một giai thoại, những cư dân Việt đầu tiên đến đây sinh sống nhận thấy thượng nguồn sông là nước ngọt, còn mấy kilomet hạ nguồn là nước lợ, đôi khi là nước mặn, rất khác những con sông ở miền Bắc.
Do không biết rằng hiện tượng này bắt nguồn từ việc lưu lượng nước sông mùa mưa và mùa khô quá khác nhau nên họ thấy rất kỳ lạ, đến mức thốt lên “kỳ ta, kỳ ta”. Lâu dần “kỳ ta” được đọc trại thành “Cà Ty”, thành tên dòng sông như bây giờ. Dù vậy, nhiều người cho rằng cách giải thích trên chỉ là câu chuyện vui lưu truyền trong dân gian. Ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, những địa danh bắt đầu với từ "Cà" không hiếm, như Cà Ná, Cà Đú, Cà Mau...