Con sông 'sáu đầu' ở miền Bắc là nơi hội tụ của 6 dòng sông, nằm trên vùng đất 'địa linh nhân kiệt' từng chứng kiến trận thủy chiến vang danh sử Việt

03-03-2024 09:15|Quỳnh Như

Thời xa xưa, đây là cửa ngõ đường thuỷ để tiến vào thành Thăng Long nên con sông này còn giữ vị trí phòng thủ hiểm yếu “lục long tranh châu”.

"Hơn bảy trăm năm trải mấy triều

Khí thiêng phảng phất núi non cao"

Đó là những câu trong bài thơ mà Á Nam Trần Tuấn Khải đã ngợi ca chiến công của Trần Hưng Đạo tại vùng Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương). Nơi ấy gọi là Lục Đầu giang, chỗ chụm đầu của 6 dòng sông, bao lần vỡ oà trong niềm hân hoan chiến thắng.

Sông Lục Đầu là đoạn cuối của sông Thương có chiều dài hơn 10km, chỗ rộng nhất hơn 1km chảy sát qua khu vực Tây Nam đất Vạn Kiếp. Đây là một dòng sông đặc biệt vì là nơi hội tụ của 6 dòng sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình.

Theo cuốn Công dư tiệp ký, sông Lục Đầu được ghi chép như sau: “Giữa sông có bãi cát gọi là bãi Đại Than. Các nhà phong thủy gọi thế đất, nước này là lục long tranh châu (sáu con rồng tranh nhau một hòn ngọc)”

Theo cuốn Công dư tiệp ký, sông Lục Đầu được ghi chép như sau: “Giữa sông có bãi cát gọi là bãi Đại Than. Các nhà phong thủy gọi thế đất, nước này là lục long tranh châu (sáu con rồng tranh nhau một hòn ngọc)”

Sử sách lưu truyền câu ca: "Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh" (ý nói không có giọt nước nào ở sông Lục Đầu không rên rỉ tiếng kêu than của quân giặc) do thời xa xưa, đây là cửa ngõ đường thuỷ để tiến vào thành Thăng Long.

Do vị trí hiểm yếu, trong lịch sử, Lục Đầu Giang đã nhiều lần là nơi diễn ra những trận quyết chiến với quân xâm lược. Trong đó, tiêu biểu là trận Vạn Kiếp, năm 1285, nơi 20 vạn quân nhà Trần với hơn 1.000 chiến thuyền đã chiến đấu chống 30 vạn quân Nguyên Mông, dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn về nước.

Màn diễn xướng trong chương trình “Hùng khí Lục Đầu giang” được tổ chức năm 2019. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Màn diễn xướng trong chương trình “Hùng khí Lục Đầu giang” được tổ chức năm 2019. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

​Lục Đầu giang còn là nơi diễn ra Hội nghị Bình Than nổi tiếng thời nhà Trần vào năm 1282, bàn kế sách chống quân Nguyên Mông. Tại hội nghị này, vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã quyết định trao toàn quyền tổng chỉ huy quân đội cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Cũng trên bến nước Bình Than này, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam vì không được vào dự hội nghị bàn việc nước. Sau đó, ông về tập hợp những người thân thuộc và trai tráng trong vùng thành đạo quân hơn 1.000 người, tự sắm sửa vũ khí, chiến thuyền và cùng nhau ngày đêm luyện võ, tập trận chờ thời cơ đánh giặc. Đội quân trẻ tuổi của Trần Quốc Toản giương cao lá cờ thêu 6 chữ vàng “phá cường địch, báo hoàng ân”...

Gác lại những thanh âm chiến trận, Lục Đầu giang hôm nay đã trở lại với ý nghĩa nguyên thuỷ của nó là nơi hội tụ nhân tâm, ban phát thái bình. Người xưa gọi con sông này là lục thuỷ triều quy, là chứng tích cho mối kỳ duyên mà tạo hoá đã khéo phơi bày.

Trong số lục dòng, 4 dòng sông từ thượng nguồn đưa nước về Lục Đầu giang tên chữ đều có chữ “Đức”, gồm: sông Thương - Nhật Đức, sông Lục Nam - Minh Đức, sông Cầu - Nguyệt Đức, sông Đuống - Thiên Đức. Bốn dòng "Đức" này hợp nguồn về đây, qua sông chính Thái Bình và sông nhánh Kinh Thầy đổ ra biển, tạo nên một vùng đất trù phú, giàu truyền thống, mang những dấu ấn lịch sử và văn hoá rất vô cùng đặc sắc.

Sông Thái Bình chia làm hai nửa. Một đoạn chạy qua Phả Lại xuống Ngã ba Mía dài 64km. Phần còn lại chảy qua Tứ Kỳ (Hải Dương) rồi men theo ranh giới Tiên Lãng (Hải Phòng) và Thái Thụy (Thái Bình) trước khi chia tay những xóm làng trù mật. Người ta tin rằng, nước dòng Lục Đầu giang lắng đọng sử thi sẽ gột rửa tất cả những tanh tưởi của xác giặc, chảy qua dòng Thái Bình mang lại hoà bình yên ổn và thịnh vượng cho muôn dân ở phía hạ lưu.

Núi Côn Sơn

Núi Côn Sơn

Ngước lên cao, bạn sẽ thấy đỉnh Côn Sơn, chốn ẩn dật tu tâm dưỡng tính của nhiều văn nhân trí thức như Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi... Ngoài Yên Tử và Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn cũng là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Dưới chân Côn Sơn là Kiếp Bạc nên người ta hay gọi ghép là Côn Sơn - Kiếp Bạc. Kiếp Bạc lại là tên ghép giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Sự hội tụ và gắn kết thể hiện ở ngay từ một cái tên!

Đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nằm sát sông Lục Đầu. Sông như một vọng gác, trạm dừng chân trên con đường từ Kinh thành Thăng Long ra tới vùng Đông Bắc - nơi Cửa Ông có Trần Quốc Tảng trấn giữ. Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trấn Rồng, một bên là đỉnh Nam Tào, bên kia là Bắc Đẩu, xa xa là dãy núi Phượng Hoàng, trong cánh cung Đông Triều ôm lấy cả dải miền Đông Bắc...

Trên vùng đất gặp gỡ của 6 dòng sông này, từ bao đời, mạch sống vẫn chảy trôi, trường tồn và phát triển. Bốn dòng sông "Đức" đã bồi đắp phù sa và hình nên vùng văn hoá Kinh Bắc. Sông Kinh Thầy, sông Thái Bình chảy qua Hải Dương - đất Thành Đông nổi tiếng để ra biển cả. Từ bao đời, Lục Đầu giang không chỉ là địa bàn hiểm yếu cho công cuộc giữ nước mà còn là huyết mạch giao lưu cho cuộc sống của cả một vùng rộng lớn.

Lục Đầu Giang ngày nay đã có những biến đổi lớn. Nhà máy nhiệt điện Phả Lại là một nguồn cung cấp điện chính cho mạng lưới điện quốc gia. TP. Chí Linh là một đô thị trẻ đang có nhiều dự án cho tương lai. Các khu công nghiệp về phía Bắc Ninh, Bắc Giang đang tạo động lực phát triển cho các địa phương này. Các cầu Phả Lại, Bình Than bắc qua dòng sông lịch sử này nối những tuyến giao thông chính, tạo điều kiện cho sự phát triển chung. Vẻ đẹp của cuộc sống, con người, của các di tích lịch sử, văn hoá làm nên bản sắc cho mảnh đất này đang ngày càng thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách gần xa.

>> Dòng sông chảy ngược từ Việt Nam lên Trung Quốc: Là sông lớn nhất của khu vực miền núi Đông Bắc, bắt nguồn từ vùng núi cao hơn 1.000m

Địa phương duy nhất ở Hà Nội được gọi là xã đảo nằm cạnh nơi hội tụ của 3 dòng sông lớn, chỉ mới được phủ sóng mạng internet từ năm 2016

Dòng sông sở hữu hình dáng con rồng khổng lồ ở Việt Nam là phụ lưu lớn nhất của con sông nội địa dài nhất nước, từng tạo nên cơn sốt quốc tế

Ngôi chùa cổ đắc địa bên dòng sông Lam do hoàng tử nhà Lý xây dựng, sở hữu cổng Tam quan được làm bằng gỗ lim 'khủng' nhất Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/con-song-sau-dau-o-mien-bac-la-noi-hoi-tu-cua-6-dong-song-nam-tren-vung-dat-dia-linh-nhan-kiet-tung-chung-kien-tran-thuy-chien-vang-danh-su-viet-d117180.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Con sông 'sáu đầu' ở miền Bắc là nơi hội tụ của 6 dòng sông, nằm trên vùng đất 'địa linh nhân kiệt' từng chứng kiến trận thủy chiến vang danh sử Việt
POWERED BY ONECMS & INTECH