Trong năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ghi nhận mức tăng trưởng 36% so với năm ngoái.
Top 5 chiếm hơn 80% thị phần môi giới hàng hóa
Theo thống kê của Khối Quản lý Giao dịch MXV, CTCP Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi là Thành viên có thị phần môi giới giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2022, chiếm 25% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Là một trong những Thành viên đầu tiên và có quy mô văn phòng, chi nhánh lớn nhất cả nước, Gia Cát Lợi cũng ghi nhận số lượng tài khoản mở mới nhiều nhất trong năm qua. Tính đến cuối năm 2022, Gia Cát Lợi chiếm hơn 40% trong tổng số hơn 22.000 tài khoản đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Đứng ở vị trí thứ 2, CTCP Giao dịch Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) hiện đang chiếm 21,3% tổng khối lượng giao dịch. Đứng thứ 3 là Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Quốc tế (MXL) với 19% thị phần. Công ty Cổ phần Saigon Futures và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) lần lượt xếp ở vị trí kế tiếp với 9,3% và 7,6% thị phần môi giới trên cả nước.
Bên cạnh đó, thị trường đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều Thành viên tiềm năng. Bám sát top 5, CTCP Giao dịch Hàng hóa VMEX đang chiếm lĩnh 3,1% thị phần môi giới. Đây cũng là một trong những thành viên có tốc độ tăng trưởng giao dịch ấn tượng nhất trong năm vừa qua.
Lãnh đạo MXV cho biết, thị trường hàng hóa đã trải qua giai đoạn phát triển nóng và bước sang giai đoạn phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên dư địa thị trường vẫn còn rất lớn, và có rất nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư truyền thống đang có dấu hiệu chững lại.
Dầu thô WTI là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong năm 2022
Hiện nay, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Các sản phẩm được chia thành 4 nhóm Nông sản, Năng lượng, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại. Trong năm 2022, với những biến động lớn trên thị trường xăng dầu và khí tự nhiên, nhóm Năng lượng là nhóm có khối lượng giao dịch nhiều nhất tại MXV, chiếm 41,6% tổng khối lượng giao dịch toàn Sở.
Dù mới chỉ được Sở NYMEX, Mỹ đưa vào giao dịch từ tháng 07/2021 và niêm yết giao dịch liên thông tại MXV từ tháng 11/2021, sản phẩm Dầu thô WTI micro đã thu hút dòng tiền rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.
Tổng kết năm, Dầu thô WTI micro là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 19,5% tổng khối lượng giao dịch. Đây là kết quả không bất ngờ, khi mặt hàng này liên tục đứng đầu về khối lượng giao dịch mỗi tháng kể từ tháng 03/2022 tới nay.
Vào tháng 07/2022, MXV đã niêm yết giao dịch thêm 4 sản phẩm trong nhóm Kim loại, đều liên thông với Sở Giao dịch COMEX bao gồm: Bạc mini, Đồng mini, Bạc micro và Đồng micro. Trải qua 6 tháng giao dịch, các hợp đồng này ngày càng khẳng định sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Trong đó, Đồng micro đã chiếm 1,6% tổng khối lượng giao dịch cả năm tại MXV, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh số trong năm 2023.
Với mức ký quỹ thấp (hơn 10 triệu đồng/hợp đồng), các sản phẩm micro sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, MXV cũng đang trong quá trình nghiên cứu các sản phẩm mới cho thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, để phù hợp với xu hướng đầu tư của thế giới. Theo đó, các sản phẩm có mức ký quỹ thấp, thanh khoản cao, minh bạch sẽ sớm được niêm yết để da dạng hóa danh mục đầu tư và cung cấp thêm các công cụ bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam lập "đỉnh" trong quý I/2022
Thị phần môi giới hàng hóa trong năm 2021 ổn định và cân bằng