Công dụng chữa bệnh của hoa bằng lăng
Lá, hoa, quả bằng lăng đều có thể sử dụng làm thuốc. Trong đó, hoa có vị chua mát, thích hợp để chế biến các món ăn giải nhiệt mùa hè.
Gần đây, trên mạng xã hội nhiều bà nội trợ chia sẻ món ăn từ hoa bằng lăng. Xin chuyên gia cho biết hoa này ăn được không? Cách chế biến như thế nào? ( Lê Hải Yến - Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Cây hoa bằng lăng hiện nay được trồng rất nhiều ở Việt Nam với mục đích chính là để làm cảnh. Tuy nhiên, đối với những người dân bản địa sinh sống ở Philippines, loại cây này còn có thể dùng để chữa nhiều bệnh khác nhau.
Họ lấy vỏ và lá cây để pha nước uống chữa bệnh tiêu chảy; lợi tiểu và tốt cho những người đang gặp vấn đề ở bàng quang.
Vị chua nhẹ của hoa khi kết hợp với thịt bò, rau củ quả tạo nên vị đặc trưng của món gỏi, giúp hạ nhiệt mùa hè. Ngoài ra, các gia đình có thể làm gỏi bằng lăng với tôm, tai heo hay nguyên liệu mình yêu thích.
Lưu ý, bạn nên chọn những bông hoa bằng lăng mới nở, tách cánh hoa khỏi nhụy, nhẹ nhàng rửa sạch, để ráo nước. Tiếp theo, sơ chế các nguyên liệu khác như ướp thịt bò, bóc tôm, thái hành hoa, cà rốt, ớt chuông. Sau đó, bạn làm nước sốt chua ngọt, xào thịt bò và tôm.
Hạt của quả bằng lăng có thể giúp mọi người ngủ ngon hơn, trị lở loét, tổn thương ở vùng miệng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong lá bằng lăng có rất nhiều axit corosolic có thể làm giảm đường huyết. Vì thế, mọi người có thể hãm lá bằng lăng như trà uống có tác dụng tốt cho người bị bệnh tiểu đường.
Lá bằng lăng có vị hơi chát, thường được ăn với thịt nướng, gỏi cuốn, bánh xèo, bánh gối chống ngán. Lá có thành phần lợi tiểu, kháng khuẩn rất tốt. Để phòng các căn bệnh về đường tiết niệu, bạn có thể lấy lá này nấu nước uống như trà.
Ngoài ra cây bằng lăng còn được ứng dụng để trị các căn bệnh khác như nấm ngoài da, lỵ trực khuẩn, nhuận tràng và bỏng theo kinh nghiệm dân gian…