Hà Nội trong 2 năm đầy khó khăn vì COVID-19 vừa qua, công nghệ số và kinh tế số là điểm sáng góp phần quan trọng giúp đời sống kinh tế, xã hội của đất nước được vận hành liên tục.
Chiều 20/4/2022, tại Hà Nội, buổi Tọa đàm "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch" đã diễn ra.
Toạ đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm tạo diễn đàn lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý về vai trò đòn bẩy của nền tảng số đối với phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực, ổn định và thịnh vượng; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Mục tiêu cụ thể là đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử.
"Trong 2 năm đầy khó khăn vì COVID-19 vừa qua, công nghệ số và kinh tế số là điểm sáng, góp phần quan trọng giúp đời sống kinh tế, xã hội của đất nước vận hành liên tục, giảm nhẹ đáng kể những cú sốc do phong tỏa, cách ly chống dịch gây ra" - bà Phạm Thị Thanh Huyền nói.
Theo bà Huyền, ưu tiên của Quốc hội cho kinh tế số rất xác đáng bởi đây là một động lực tăng trưởng mới của đất nước. Trong ngắn hạn, kinh tế số và công nghệ số sẽ góp phần giúp nền kinh tế chống đỡ, ứng phó, và phục hồi giai đoạn hậu COVID-19.
Về dài hạn, đây là chìa khoá giải bài toán năng suất lao động, giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc bậc trung phát triển vào năm 2040.
Trong buổi toạ đàm, các khách mời đều đánh giá cao tầm quan trọng của kinh tế số bởi đây là một cơ hội tuyệt vời cho cuộc sống của con người, cho nền kinh tế, nhưng cũng có thể trở thành thảm họa nếu như không vì con người, không mang yếu tố nhân văn.
Ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết, sự xuất hiện của COVID-19 trên toàn thế giới đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, là động lực thúc đẩy cho chuyển đổi số: Thương mại được cải thiện, thiết lập những tiêu chuẩn quốc tế để người tiêu dùng, doanh nghiệp tham gia, và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
"Nền tảng số trong thời gian dịch bệnh đã giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ, giúp kết nối, giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa các mặt hàng và nguồn thu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương" - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nền tảng số đã đóng góp rất lớn cho sự duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch.
Minh chứng thể hiện ở những con số như thương mại điện tử vẫn luôn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng là 2 con số. Cụ thể, năm 2020, duy trì được tốc độ tăng trưởng là 18%, năm 2021 là 16% và thương mại điện tử Việt Nam vẫn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
"Những thành tựu này cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của thương mại điện tử" - bà Lại Việt Anh nhận định.
Tại tọa đàm, các khách mời cũng đã trao đổi quan điểm, chủ trương của các quốc gia khác đối với kinh tế nền tảng nói chung và các nền tảng số, các giải pháp mà các nước bạn đang triển khai để thúc đẩy kinh tế nền tảng và kinh tế số.
Qua đó đề xuất ý kiến và gợi ý về các chính sách của Quốc hội, cơ chế của Chính phủ để có thể triển khai hỗ trợ sự phát triển của kinh tế nền tảng và các nền tảng số trong quá trình khôi phục kinh tế, cũng như về dài hạn.