Công trình được coi là “chứng nhân lịch sử” đã hơn 100 tuổi, cao sừng sững 50 mét giữa lòng Thủ đô
Đây là “chứng nhân lịch sử”cho thời đại công nghiệp của Thủ đô và cũng là ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.
“Chứng nhân lịch sử” cho thời đại công nghiệp Thủ đô
Tọa lạc trên phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, một chiếc ống khói vững trãi đã chứng kiến biết bao thăng trầm trong lịch sử của Thủ đô. Theo bảng giới thiệu Câu chuyện lịch sử của ống khói tại đây, ống khói này được coi là công trình cao nhất, đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp đầu thế kỷ 20.
Theo thông tin trên bảng, chiếc ống khói Đại La là một trong ba ống khói cao 50 mét, được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu để hút không khí vào đường hầm đôi của lò nung Hoffmann. Công trình này là một phần của Nhà máy Gạch Tám Ngói hay La Tuilerie Tonkinoise, một nhà máy chuyên sản xuất gạch và ngói, trang bị máy ép khuôn.
Người sáng lập nhà máy là ông Nguyễn Văn Giệm, hay còn được biết đến với tên gọi Năm Giệm. Trong giai đoạn thịnh vượng, hơn 600 công nhân đã làm việc tại đây. Sau đó, nhà máy được chuyển giao cho con gái thứ năm của ông Năm Giệm là bà Nguyễn Thị Ninh và con rể là ông Phó Bá Thuận.
Nhà máy đã trải qua giai đoạn tạm nghỉ hoạt động trong thế chiến thứ II và vào năm 1956, nhà máy mở cửa trở lại dưới sự quản lý của bà Ninh, một trong những nữ doanh nhân tiên phong tại Việt Nam. Sau khi bà Ninh nghỉ hưu, nhà máy gạch đã chuyển từ tư nhân sang quản lý của nhà nước.
Kể từ giữa những năm 1990, nhà máy gạch đã trải qua quá trình phá bỏ và phần đất đó đã được công ty P.T. Global Metropolitan Development của Indonesia thuê để xây dựng một khách sạn năm sao tại Hà Nội. Trong dự án xây dựng khách sạn, nhóm thiết kế ban đầu đã có ý định loại bỏ chiếc ống khói của nhà máy gạch. Tuy nhiên, “chứng nhân lịch sử” này đã được giữ lại.
Hiện tại, cột khói vẫn đứng "sừng sững" trong khuôn viên của khách sạn năm sao Pullman Hanoi. Đặc biệt, để trân trọng lịch sử và coi trọng biểu tượng của thời đại công nghiệp tại Hà Nội, khách sạn đã quyết định đặt tên nhà hàng của mình là La Cheminee.
Cột khói gắn liền với tuổi thơ
Không chỉ là "chứng nhân lịch sử" của thời kỳ công nghiệp, chiếc cột khói tại Cát Linh còn là nơi lưu trữ ký ức tuổi thơ của nhiều người trong thời kỳ khó khăn.
Ông Lê Quang Đạt, 69 tuổi, một cư dân tại phố Cát Linh, chia sẻ: "Cột khói này có từ khi tôi còn bé, giờ nó đã có tuổi đời hơn 100 năm rồi. Nhà máy có cột khói này đã nuôi tôi và gia đình tôi trong những năm tháng khó khăn".
Ông cũng chia sẻ thêm, trong những năm 60, nhà máy gạch đã mang lại việc làm cho nhiều người bao gồm cả gia đình ông. Tuy mức lương không cao, chủ yếu là bằng tem phiếu, nhưng nó đã giúp những đứa trẻ thời đó có sách vở để học, có quần áo mới cho Tết cổ truyền, gia đình có đủ gạo và thịt để ăn.
Với ông Trần Văn Quyền, 70 tuổi, cư dân tại Cát Linh, cột khói Đại La giống như một biểu tượng của quê hương, là nơi vui chơi ngày thơ bé. "Không chỉ thế, cột khói còn là nơi mà nhóm trẻ chúng tôi đi theo bố mẹ đến đó để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù số tiền kiếm được không nhiều, nhưng đủ để tôi có đôi giày mới, quyển vở mới, và chiếc quần mới. Vì lòng thương con của bố mẹ chúng tôi, nhiều lần họ đã la mắng, thậm chí dùng roi để trừng phạt chúng tôi khi ở nhà, không nên ra nhà máy gạch để tập trung vào việc học", ông Quyền xúc động kể lại.
Sau hơn 100 năm, ống khói nhà máy gạch Đại La không thể tránh khỏi những vết tích của thời gian nhưng đã được chính quyền tu sửa, bảo vệ và giữ gìn rất cẩn thận.