Huy động nhân công, nhà thầu Trung Quốc xây dựng siêu công trình cầu đường sắt giữa vách núi dốc đứng gây ngỡ ngàng
Cầu đường sắt Zangmu đánh dấu bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cầu ở khu vực núi cao phức tạp.
Cầu đường sắt Zangmu bắc qua sông Yarlung Zangbo là công trình cầu tiêu biểu trên tuyến đường sắt cao tốc nối giữa Lhasa và Linzhi, nằm giữa vùng núi hiểm trở của Tây Tạng.

Trong số các cầu vòm chỉ dành riêng cho đường sắt, Zangmu đứng thứ tư thế giới, chỉ xếp sau các cầu Nujiang, Beipanjiang Qinglong và Xijiang.
Đây cũng là cây cầu sử dụng kết cấu ống thép nhồi bê tông (CFST) lớn nhất từng được xây dựng cho đường sắt. Khi vòm chính được hợp long, bê tông sẽ được bơm từ đáy lên bên trong các ống vòm thép chính.
Sau khi đông cứng, lớp bê tông giúp gia cố và tăng độ cứng cho toàn bộ kết cấu, từ đó cải thiện khả năng chịu nén tổng thể của cây cầu. Trong điều kiện khí hậu cao nguyên khắc nghiệt, để tránh nguy cơ bê tông không được nén chặt trong ống, hỗn hợp bê tông đặc biệt không co ngót đã được sử dụng, đảm bảo độ ổn định và an toàn kết cấu.
Với hai bên là vách núi dốc đứng, các đoạn vòm của Zangmu được đội ngũ kỹ sư và công nhân lắp đặt thông qua hệ thống cáp treo đặc biệt, với khoảng cách giữa hai điểm neo cáp lên tới khoảng 940m, thuộc vào số nhịp dài nhất từng được sử dụng trong thi công cầu.
Cây cầu có nhịp chính dài 430m, bắc qua một hồ chứa nước hình thành từ đập thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo – dòng sông lớn và dài nhất của Tây Tạng. Con sông này sau đó nhập vào hệ thống sông Brahmaputra nổi tiếng, và thường được gọi chung là Tsangpo-Brahmaputra khi nhắc đến chiều dài toàn bộ 2.900km của nó. Độ cao ước tính từ mặt sông đến đáy cầu vào khoảng 90m.

Cầu đường sắt Zangmu không chỉ là một mắt xích quan trọng trên tuyến giao thông huyết mạch Tây Tạng – Trung Quốc, mà còn đánh dấu bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cầu ở khu vực núi cao phức tạp. Đây là công trình thể hiện trình độ thiết kế, vật liệu và thi công hiện đại, mang tầm vóc quốc tế trong ngành giao thông hạ tầng.