Công trình văn hóa đặc biệt của Việt Nam được ví như kỳ quan vĩ đại, là nơi lưu giữ di hài Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất

13-05-2024 15:28|Quỳnh Như

Đây là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX, là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô; công trình của “lòng dân - ý Đảng”...

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân ta và bạn bè quốc tế.

Thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ­ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2/9/1973 là ngày khởi công và ngày 2/9/1975 là ngày hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động. Ảnh tư liệu/Báo Vietnamplus

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2/9/1973 là ngày khởi công và ngày 2/9/1975 là ngày hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động. Ảnh tư liệu/Báo Vietnamplus

Và nơi được chọn chính là Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc xây dựng Lăng của Người có sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ Liên Xô. Từ ngày 9-23/1/1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn gồm 7 cán bộ sang Việt Nam để bàn về việc thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ trong một tuần, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã soạn thảo xong bản “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Ngày 2/9/1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại quảng trường rộng lớn. Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn Hồ Chủ tịch, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ, tinh thần tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người.

Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1973. Ảnh: Ban Quản lý Lăng

Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1973. Ảnh: Ban Quản lý Lăng

Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô cũng đã gửi tặng Việt Nam 2 vạn miếng đá hoa cương và cẩm thạch mài nhẵn. Ngày 1/11/1974, viên đá đầu tiên được ốp vào công trình Lăng. Sau đó, hàng loạt bức tường khác đã được ốp đá, mỗi phòng, mỗi tường có những quy cách khác nhau tạo dáng phong phú đa dạng, phù hợp với ánh sáng, màu sắc, hài hòa với bố cục chung.

Phòng Bác nằm được ốp bằng đá cẩm thạch Hà Tây, những viên đá có hình chữ nhật xếp thẳng đứng kế tiếp nhau nối từ chân tường đến đỉnh trần làm ta liên tưởng tới những thanh gỗ lát nhà sàn của Bác. Hai lá cờ: cờ Đảng và cờ Tổ quốc được ghép bằng 4.000 miếng đá hồng ngọc của Thanh Hóa, Búa Liềm và sao năm cánh ghép bằng đá Cẩm Vân vàng sáng. 200 bộ cửa được các nghệ nhân mộc Nam Hà, Hà Bắc, Nghệ An đóng với kỹ xảo điêu luyện.

Đoàn người vào Lăng viếng Bác. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Đoàn người vào Lăng viếng Bác. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Từ mọi miền đất nước, nhân dân đóng góp những vật liệu đặc trưng của địa phương mình cho công trình như xi măng của Nhà máy Xi măng Hải Phòng; đá dăm ở khu vực Thác Bà, Xuân Hòa; cát vàng Kim Bôi, Hòa Bình; gỗ của miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên…

Cuối tháng 12/1974, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường đã cơ bản hoàn thành lắp hệ mạng của hệ kỹ thuật. Đặc biệt, các máy móc ở đây được thiết kế khá độc đáo, yêu cầu lắp ráp với độ chính xác cao.

Trong các loại máy móc, thiết bị tinh vi quan trọng có thiết bị quan tài. Thiết bị này do các chuyên gia lắp. Quan tài trong suốt và kín. Máy móc nâng hạ quan tài cũng theo nguyên lý chuyển động chính xác đặc biệt. 20 loại đèn nhiều tia, có màu khúc xạ bởi nhiều bộ lăng kính và hệ thoát nhiệt. Trình độ công nghệ và trình độ khoa học ở thiết bị này rất cao.

Cuối cùng, sau 700 ngày đêm lao động của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng Lăng và sự giúp đỡ bằng sức người và sức của của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, chúng ta đã vượt qua trăm nghìn gian khó xây dựng nên ngôi nhà vĩnh cửu của Bác.

Ngày 29/8/1975, sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi công xây dựng và sau hơn 3 tháng miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành trọng thể.

Lễ diễu binh trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp kỷ niệm 70 Năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 9/2015). Ảnh: Ngọc Hà/Báo QĐND

Lễ diễu binh trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp kỷ niệm 70 Năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 9/2015). Ảnh: Ngọc Hà/Báo QĐND

Nhìn từ bên ngoài, công trình hiện lên với vẻ đồ sộ, uy nghi. Lăng Bác cao 21,6m, bề mặt rộng 31m. Lăng được thiết kế có độ bền vững cao, đủ khả năng chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter, có công trình bảo vệ đặc biệt để ngăn không cho nước tràn vào nếu Hà Nội bị vỡ đê. Kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn. Thiết kế đưa thêm "buồng đặc biệt" để khi có chiến tranh vẫn giữ được thi hài tại chỗ.

Cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huy/Báo Thanh Niên

Cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huy/Báo Thanh Niên

Bên cạnh đó, không gian cảnh quan khu vực Lăng Bác cũng là nơi hội tụ những tinh hoa về kiến trúc và không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội - mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, đó cũng là nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm.

Đoàn tiêu binh di chuyển qua cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huy/Báo Thanh Niên

Đoàn tiêu binh di chuyển qua cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huy/Báo Thanh Niên

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX, là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (nay là Liên bang Nga); công trình của “lòng dân - ý Đảng”; của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Một kỳ quan vĩ đại, một công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị to lớn không phải ở sự nguy nga, tráng lệ mà bởi ở đó đang giữ gìn và phát huy một tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người đã đi vào sử sách của dân tộc và nhân loại trên thế giới, là biểu tượng, niềm tin của nhân dân Việt Nam.

Gần 49 năm qua, nơi đây đã tiếp đón và phục vụ hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước; hàng nghìn hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước; các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng những ngày lễ lớn của dân tộc; các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục tư tưởng của những tổ chức chính trị, đoàn thể... nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”; về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế.

>> Thân thế vị bác sĩ đặt tên cho quảng trường sức chứa 200.000 người lớn nhất Việt Nam, nguồn gốc tên gọi 'Ba Đình' có ý nghĩa đặc biệt gì?

Điều ít biết về công trình gần 100 năm tuổi ‘nhẵn mặt’ tại phố Hoàn Kiếm: Từng ‘suýt’ được xây dựng theo phong cách khác

Đào móng công trình, người đàn ông bất ngờ phát hiện tượng cổ là ‘bảo vật’ của Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-trinh-van-hoa-dac-biet-cua-viet-nam-duoc-vi-nhu-ky-quan-vi-dai-la-noi-luu-giu-di-hai-anh-hung-giai-phong-dan-toc-danh-nhan-van-hoa-kiet-xuat-d122515.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công trình văn hóa đặc biệt của Việt Nam được ví như kỳ quan vĩ đại, là nơi lưu giữ di hài Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất
    POWERED BY ONECMS & INTECH