Đây là quảng trường lớn nhất của Việt Nam, là nơi diễn ra các buổi diễu hành quan trọng vào các ngày lễ lớn của đất nước và nhiều sự kiện trọng đại.
Quảng trường Ba Đình ban đầu là một cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi sầm uất buôn bán với nhiều làng nghề. Đến đầu thế kỷ XX, quảng trường được người Pháp xây dựng và lấy tên của một linh mục là Puginier đặt cho quảng trường (Rond Point Puginier, còn gọi là quảng trường Tròn).
Sau này, Quảng trường Ba Đình còn được biết đến với 2 tên nữa là Quảng trường Hồng Bàng và Quảng trường Độc Lập. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại và đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng. Sau khi về tiếp quản Thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đề nghị lấy tên cũ là Quảng trường Độc Lập nhưng Bác Hồ “bác’’ đi, Người nói cứ giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình.
Được biết, tên gọi này do bác sĩ Trần Văn Lai đặt. Bác sĩ Trần Văn Lai (sau này làm tới Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội), trước đây vốn là thị trưởng thành phố Hà Nội từ ngày 20/7-19/8/1945, là người rất say mê lịch sử dân tộc. Ông dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nên đã đổi tên Rond Point Puginier thành Quảng trường Ba Đình.
Nguồn gốc của tên gọi Ba Đình là do ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp vào những năm cuối thế kỷ XIX ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Bấy giờ, Đinh Công Tráng và các đồng đội của mình đã chọn vùng đất thuộc ba làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Ba làng này đều có một ngôi đình và từ đó có thể nhìn thấy ngôi đình của hai làng kia, vì vậy nó được gọi là căn cứ Ba Đình. Nơi đây ghi dấu sự chiến đấu anh dũng của dân ta dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng chống lại một đội quân viễn chinh lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác của họ trên đất Việt Nam dưới thời Đệ tam Cộng hòa Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta được giải phóng, nhân dân Việt Nam đã thoát khổi địa vị nô lệ vươn lên trở thành người làm chủ đất nước. Để chuẩn bị cho ngày Lễ Độc lập, đã có nhiều nơi được đưa ra để lựa chọn tổ chức sự kiện và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được lựa chọn.
Như vậy, chỉ hơn một tháng sau khi có tên gọi Quảng trường Ba Đình, cùng với vận mệnh mới của đất nước, các phương tiện thông tin thế giới đã đồng loạt đưa tin: Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu với bộ quần áo ka ki, đôi déo cao su - tất cả đều vô cùng giản dị, gần gụi. Xung quanh Bác là hàng chục vạn đồng bào vỗ tay, reo hò… tất cả đã ghi tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam về ngày Quốc khánh tuyệt vời năm 1945 hào hùng ấy!
Khi nói về lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: Bác Hồ chọn Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập vì Bác Hồ muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn là với toàn thế giới, như Bác Hồ đã khẳng định: Quyền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được và nó phù hợp với nguyên lý của nhân loại.
Hiện nay, Ba Đình vẫn là quảng trường lớn nhất cả nước với sức chứa đến khoảng 200.000 người. Hầu hết các sự kiện diễu hành vào các ngày lễ lớn đều sẽ diễn ra ở nơi đây, lượng du khách đổ về quảng trường hàng ngày cũng rất đông. Giữa quảng trường Ba Đình là cột cờ cao 25m, sau cột cờ chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường nằm trên đường Hùng Vương, thuộc phường Điện Bàn, quận Ba Đình. Phía Bắc quảng trường là Văn phòng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, phía Nam là trụ sở Bộ Ngoại giao, phía Tây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phía Đông là Hội trường Ba Đình.
Theo Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày tại Quảng trường Ba Đình được bắt đầu vào lúc 6h (mùa nóng từ 1/4-31/10) hoặc 6h30 (mùa lạnh từ 1/11-31/3 năm sau) và lễ hạ cờ diễn ra lúc 21h.
Thời gian dần trôi, lịch sử đã ghi dấu những dấu mốc quan trọng của dân tộc Việt Nam, trong đó có gắn liền với Quảng trường Ba Đình. Quảng trường lớn nhất Việt Nam hôm nay đã dần trở thành địa điểm gần gũi, thiêng liêng của cả dân tộc, là nơi "đi để trở về" của hàng triệu trái tim.