Bất động sản

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại

Hải Đăng 19/05/2025 19:30

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền đất đã từng là Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Công trình thể hiện nguyện ý của toàn Đảng, toàn dân với vị lãnh tụ kính yêu

Với ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, phiên họp sáng 29/11/1969 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đưa ra quyết định quan trọng: Thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 1.
Quá trình xây dựng Lăng Bác. Ảnh: Bqllang.gov

Theo đó, với tấm lòng kính trọng và nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân chung ý chí đồng lòng, quyết định xây dựng lăng của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Bác đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lăng Bác được xem là công trình kiến trúc đồ sộ và uy nghi với chiều cao 21,6m, bề rộng 31m với 2 cánh gà mở ra 2 bên.

>> Công thự đẹp nhất Á Đông tại Việt Nam: Được chi 150.000 lượng vàng để xây dựng, phòng khách chứa đến 800 người, là biểu tượng lịch sử của dân tộc

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 2.
Bộ Chính trị họp bàn phương án xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bên dưới của Lăng Bác được lát đá hoa cương sẫm màu, 3 tầng: Tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, hình thành một tam cấp đồ sộ. Chính nét độc đáo của kiến trúc này đã tạo nên cho Lăng thế đứng trang nghiêm và vững chãi.

Lăng Bác được thiết kế với phần mái như một tam cấp nhẹ nhõm, thanh thoát. Với những đường vắt chéo, mái của Lăng không chỉ mang nét gọn gàng và giản dị phảng phất kiến trúc hiện đại mà còn ẩn dấu nét mềm mại, uyển chuyển của mái cong kiến trúc dân tộc cổ truyền.

Dưới mái Lăng, cả 4 phía đều có các hàng cột cao, to bằng đá hoa cương màu xám bạc.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 3.
Toàn Đảng, toàn dân đồng lòng với tấm lòng tôn kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ảnh: TTXVN

Bên trong bốn hàng cột trang nghiêm là bốn bức tường đá hoa cương màu đỏ son, nơi yên nghỉ của Người.

Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 và khánh thành vào ngày 29/8/1975 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đưa Người về nơi an nghỉ mãi mãi, giữa tình yêu của toàn dân tộc.

Công trình được hình thành sau 700 ngày đêm lao động vượt ngàn gian khó của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng Lăng với sự giúp bằng sức người và sức của của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 4.
Quá trình xây dựng Lăng Bác được thực hiện dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Ảnh: TTXVN

Từ ngày 9-23/1/1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn gồm 7 cán bộ sang Việt Nam nhằm bàn về thiết kế Lăng Bác.

Trong vòng một tuần, các chuyên gia đã soạn thảo xong bản "Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Bản dự thảo được thông qua tại phiên họp của Bộ Chính trị vào ngày 19/10/1970.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, tập thể kiến trúc, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã hoàn thành phương án "thiết kế sơ bộ" của Lăng.

Lúc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2/9/1973 là ngày khởi công và ngày 2/9/1975 là ngày hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Biểu tượng thiêng liêng của lòng dân và trí tuệ dân tộc

Từ ngày 19/3 đến 6/5/1970, một đoàn cán bộ gồm ba kiến trúc sư Việt Nam đã mang bản thiết kế sơ bộ sang Liên Xô để tiếp tục hoàn thiện phương án xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở phối hợp giữa các phương án của hai đoàn công tác, một thiết kế thống nhất đã được hình thành, tăng cường yếu tố kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Bản thiết kế này mang phiên hiệu công trình 75808.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 5.
Lăng Bác được hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Ảnh: TTXVN

Cùng thời gian đó, hàng nghìn bức thư từ khắp các miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài gửi về, bày tỏ nguyện vọng được đóng góp, thiết kế và tham gia xây dựng Lăng.

Đáp lại tình cảm và lòng thành kính ấy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định lùi việc phê duyệt bản thiết kế sơ bộ thêm 4-5 tháng để phát động đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng và trưng bày lấy ý kiến nhân dân.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 6.
Lăng Bác trở thành công trình kết tinh cho lòng dân và trí tuệ dân tộc. Ảnh: Internet

Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8/1970, Ban tổ chức đã tiếp nhận trên 200 phương án từ 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân trên cả nước. Trong số đó, 24 phương án xuất sắc được lựa chọn trưng bày tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An, thu hút 745.487 lượt người tham quan và 34.022 ý kiến đóng góp tâm huyết.

Chỉ 10 ngày sau khi kết thúc triển lãm, bản thiết kế sơ bộ đã được hoàn chỉnh, tích hợp các ý kiến nhân dân, và tiếp tục được mang sang Liên Xô để cùng các chuyên gia kỹ thuật hoàn thiện.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 7.
Lăng Bác được xây dựng trên nền của Quảng trường Ba Đình - nơi Bác đã từng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Internet

Ngày 9/2/1971, tại Moskva, Hiệp nghị hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên Xô trong việc giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ký kết bởi Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nôvicốp.

Ngày 3/11/1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng, đồng thời Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập Ban chỉ huy công trình.

Đến ngày 31/12/1971, bản thiết kế kỹ thuật chính thức được phê duyệt. Ngày 5/2/1972, Thủ tướng Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương.

Bộ Quốc Phòng được giao làm chủ đầu tư (bên A) và phụ trách toàn bộ khâu lắp đặt thiết bị, trong đó Bộ Tư lệnh Công binh thành lập Trung đoàn 259B (Đoàn Ba Đình) chuyên trách thi công.

Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại- Ảnh 8.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công trình kiến trúc - kỹ thuật mà còn là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật tôn nghiêm. Ảnh: Internet

Công trình được ấn định khởi công ngày 2/9/1973 – dịp Quốc khánh và hoàn thành đúng ngày này hai năm sau 2/9/1975. Đêm 18/6/1973, toàn bộ mặt bằng thi công được quây kín, sẵn sàng bước vào giai đoạn thi công quan trọng.

Sau 60 ngày đêm liên tục, phần móng Lăng hoàn tất. Đến ngày 30/10/1974, mẻ bê tông cuối cùng ở nóc Lăng được hoàn thành, đánh dấu cột mốc lớn của công trình.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công trình kiến trúc - kỹ thuật mà còn là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật tôn nghiêm.

Quá trình hoàn thiện nội thất, trang trí chiếm hơn nửa tổng thời gian xây dựng và đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao. Phần lớn cấu trúc và nội thất Lăng được ốp đá tự nhiên với chất liệu cao cấp như đá hoa cương xám đậm, cẩm thạch, đá ngọc. Đặc biệt, Liên Xô đã gửi tặng hơn 20.000 miếng đá hoa cương và cẩm thạch được mài nhẵn tinh xảo.

Chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" được ghép bằng đá ngọc Cao Bằng, cửa chính ốp đá đen bóng, các phòng khách, hành lang, cầu thang đều lát và ốp đá cẩm thạch, đá hoa cương. Tường tiền sảnh ốp đá vân đỏ hồng tươi làm nổi bật dòng chữ vàng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và chữ ký của Bác được mạ vàng. Phòng đặt thi hài Bác sử dụng đá cẩm thạch Hà Tây, thiết kế mô phỏng sàn gỗ nhà sàn thân quen.

Hai lá cờ Đảng và Tổ quốc được ghép từ 4.000 miếng đá hồng ngọc Thanh Hóa, hình búa liềm và ngôi sao được làm từ đá cẩm vân vàng.

Công trình có hệ thống kỹ thuật phức hợp hiện đại do Liên Xô thiết kế, với 17 hệ thống thông gió, 4 tổ hợp điều hòa trung tâm, 620 thiết bị phụ trợ và một nhà máy lạnh gồm 6 cụm máy tổng công suất trên 2,5 triệu kcal/giờ.

Ngoài ra còn có hệ thống cấp, thoát nước quy mô lớn, hệ thống điều khiển thiết bị đặc biệt để giữ gìn thi hài Bác trong điều kiện tối ưu.

Quan tài thi hài Bác được chế tạo bằng thiết bị tiên tiến, trong suốt, kín, kết hợp với hệ thống nâng hạ hiện đại, hệ thống đèn chiếu sáng khúc xạ tinh vi và hệ thoát nhiệt tối ưu.

Song song với việc xây dựng Lăng là dự án cải tạo Quảng trường Ba Đình, tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa. Tổng diện tích cải tạo lên đến 14ha, riêng quảng trường phía trước rộng 20.000m2, chia thành 176 ô cỏ, lát đá bê tông, lắp đặt hệ thống thoát nước ngầm hiện đại. Đường Hùng Vương, Bắc Sơn và Ba Đình được mở rộng, trang trí đồng bộ.

Không gian xanh, cây cảnh quanh Lăng là món quà tâm tình từ các địa phương cả nước – biểu trưng cho tình cảm sâu nặng của đồng bào đối với Bác. Công trình được trang bị hệ thống chiếu sáng, truyền thanh, truyền hình hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt các sự kiện trọng đại của đất nước.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh của lòng dân, trí tuệ Việt Nam và tình hữu nghị quốc tế. Đây không chỉ là công trình kiến trúc đặc biệt mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, lòng biết ơn và sự tôn kính vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón đồng bào và du khách vào 5 buổi sáng mỗi tuần, trừ các ngày thứ Hai và thứ Sáu. Trung bình, mỗi tuần có trên 15.000 lượt người đến viếng, trong đó có nhiều đoàn thể, cá nhân lựa chọn các dịp lễ lớn và ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước để bày tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hằng năm, Lăng tạm dừng đón khách vào tháng 10 và tháng 11 để phục vụ công tác tu bổ, bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, vào các ngày lễ trọng đại như 19/5 (Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), 2/9 (Quốc khánh) và mùng 1 Tết Nguyên đán, nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, Lăng vẫn mở cửa phục vụ lễ viếng như thường lệ, thể hiện sự trân trọng đặc biệt với tình cảm thiêng liêng của nhân dân dành cho Người.

** Bài viết tham khảo nguồn từ: hochiminh.vn , TTXVN

>> HoREA kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội

Dự án giao thông nghìn tỷ ngổn ngang hơn 10 năm qua giữa lòng Thủ đô đón tin vui

Tỉnh cửa ngõ Tây Bắc Việt Nam sắp có thêm khu đô thị hơn 8.700 tỷ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/lang-bac-cong-trinh-kien-truc-do-so-uy-nghi-bieu-tuong-thieng-lieng-hinh-thanh-sau-700-ngay-dem-ket-tinh-tinh-yeu-cua-toan-the-dan-toc-danh-cho-vi-lanh-tu-vi-dai-202250519165511538.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lăng Bác: Công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi, biểu tượng thiêng liêng hình thành sau 700 ngày đêm kết tinh tình yêu của toàn thể dân tộc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại
    POWERED BY ONECMS & INTECH