Công ty 97 tuổi chứa 'kho báu đỏ' khổng lồ, biến 'phế liệu' thành thứ cả thế giới chạy đua để có được cho năng lượng tái chế
Vật liệu quý này là thứ cả thế giới đều săn tìm để phục vụ cho nhu cầu năng lượng tương lai.
Công ty chuyên thu gom... phế liệu
Một trong những công ty khai thác lớn nhất thế giới đang tiến hành "lục lọi" các ngăn kéo, điện thoại cũ và bãi rác trên khắp nước Mỹ để thu thập loại "vàng đỏ" quý giá. Đó là những mảnh đồng, thứ kim loại thiết yếu trong cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng.
Bên ngoài nhà máy luyện đồng 97 năm tuổi Glencore, nằm sâu trong một khu rừng thưa thớt dân cư ở phía bắc Canada là các đống phế liệu cao hơn 9m chất đầy điện thoại di động bị nghiền nhỏ, cáp máy tính cũ và ô tô đã qua sử dụng. Tại đây, thứ phế liệu này được nấu chảy, đồng được tinh chế và tái chế thành những tấm kim loại mới, sẵn sàng phục vụ nhu cầu công nghiệp hiện đại.
Các thiết bị điện tử cũ đang được tái sinh một cách bất ngờ, trở thành nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành luyện kim. Các "ông lớn" trong ngành đồng như Glencore đang tích cực mở rộng mạng lưới thu mua phế liệu, nhằm tăng cường khả năng tái chế. Việc tăng cường chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện tái tạo đang làm thay đổi sâu sắc thị trường hàng hóa toàn cầu. Khi nhu cầu về dầu mỏ và than giảm thì nhu cầu về các nguyên liệu cho pin và hệ thống điện như lithium và đồng lại tăng vọt. Điều này khiến đồng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Glencore ước tính rằng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, nguồn cung đồng cần tăng thêm khoảng 1 triệu tấn mỗi năm từ nay đến năm 2050. Con số này tương đương với sản lượng hàng năm của Escondida, mỏ đồng lớn nhất thế giới nằm ở Chile.
Việc khai thác các mỏ đồng mới là một quá trình tốn kém và kéo dài, khiến nguồn cung không thể đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng tăng. Điều này buộc các nhà sản xuất phải tìm đến nguồn nguyên liệu thay thế, trong đó phế liệu đồng đóng vai trò quan trọng. Theo ước tính từ công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie, vào năm 2050, gần một nửa nhu cầu đồng toàn cầu sẽ được đáp ứng bằng đồng tái chế, tăng đáng kể so với mức 1/3 hiện tại. Hiện tại, một lượng lớn phế liệu từ Mỹ đang được xuất khẩu sang châu Á. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đồng đang đẩy mạnh xây dựng năng lực tái chế ngay tại Bắc Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Cuộc tìm kiếm trên toàn cầu
Các nhà giao dịch của Glencore tại Toronto, Thụy Sĩ và New York chịu trách nhiệm thu mua phế liệu từ khắp nơi trên thế giới. Các vật liệu từ khoảng 40 quốc gia được chuyển đến Rouyn-Noranda trước khi được vận chuyển đến cơ sở của Glencore. Đáng chú ý, ngay tại cổng lò luyện kim còn có một thùng rác đặc biệt, nơi 42.000 cư dân trong khu vực có thể bỏ các dây điện cũ và đồ gia dụng hỏng để tái chế.
Các bãi rác ô tô đang trở thành "mỏ vàng" mới cho ngành công nghiệp tái chế. Các công ty như Glencore đang tập trung vào việc khai thác các bộ phận và kim loại có giá trị từ những chiếc xe cũ, đặc biệt là đồng. Đây giống như một cuộc đua thực sự trên toàn cầu nhằm tận dụng thứ kim loại quý giá. Công ty này nhận thấy rằng lượng đồng thu được từ các bãi rác ô tô có thể gấp đôi so với lượng đồng khai thác từ các mỏ địa chất.
Tại Quebec, các đống phế liệu được cắt nhỏ hơn nữa trước khi đưa vào lò luyện kim với nhiệt độ lên đến 1.200 độ C. Kim loại sau khi tan chảy sẽ được làm nguội và vận chuyển đến nhà máy lọc dầu của Glencore tại Montreal. Tại đây, chúng được xử lý thêm một lần nữa để không chỉ tinh chế đồng mà còn thu hồi các kim loại quý khác như bạch kim, palladium, bạc và vàng.