Công viên nước 70 tỷ từng lên báo Mỹ vì quá 'kinh dị' ở Việt Nam sắp được chỉnh trang thành công viên nghĩa tình Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Công viên nước trị giá 70 tỷ đồng bị bỏ hoang nhiều năm từng lên báo Mỹ sắp được chỉnh trang thành công viên nghĩa tình Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực công viên nước hồ Thủy Tiên (TP Huế) sẽ được đầu tư chỉnh trang, sửa chữa thành công viên Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Dự án nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày ba địa phương kết nghĩa. Đây vốn là một dự án công viên nước bị bỏ hoang nhiều năm, từng được báo Mỹ nhận định là "công viên bỏ hoang rùng rợn, không dành cho người yếu tim".
Được biết, công viên nước hồ Thủy Tiên sở hữu diện tích rộng lớn hơn 49ha, bao quanh bởi rừng thông đặc dụng thơ mộng, được ví như "Đà Lạt thu nhỏ" giữa lòng cố đô Huế. Đây từng là điểm đến vui chơi giải trí sôi động tại Huế vào đầu thập niên 2000.
Vào thời điểm mới được xây dựng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên với kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Dự án nhiều hạng mục hoành tráng như thủy cung, phòng chơi thế giới ảo, công viên nước, du thuyền trên hồ, sân khấu nhạc nước, nhà hàng… Tuy nhiên, do dự án đầu tư thiếu đồng bộ, hoạt động không hiệu quả, công viên đã đóng cửa từ cuối năm 2011 và hiện chỉ còn lại một số công trình dang dở.
Hiện nay công viên này còn sót lại vài công trình do Công ty Haco Huế làm chủ xây dựng. Dù đã đóng cửa nhưng nơi đây vẫn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn cùng với biểu tượng độc đáo là tòa nhà hình con rồng khổng lồ cao 50m nằm ngay trung tâm. Tòa nhà này trở thành điểm check-in nổi tiếng, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến đây mỗi ngày để tham quan và chụp ảnh.
Trước Tết Nguyên đán 2024, mô hình rồng khổng lồ tại Huế đứng trước nguy cơ bị phá dỡ để bàn giao mặt bằng cho UBND TP Huế. Tuy nhiên quá trình tháo dỡ đã được ngưng lại, sau khi phần lớn người dân đề nghị giữ lại mô hình này như một điểm nhấn du lịch của xứ Huế.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hiện nay tỉnh giao UBND TP Huế xây dựng phương án cụ thể xây dựng công viên Hà Nội - Huế - Sài Gòn tại hồ Thủy Tiên để báo cáo lên tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Vào ngày 8/10/1960, theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Ủy ban MTTQ, Ủy ban Hành chính TP. Hà Nội cùng các đồng chí đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn do Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP. Hà Nội làm Trưởng ban. Sau buổi ký kết, hàng loạt phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa đã được phát động nhằm hướng về miền Nam ruột thịt.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, với những năm tháng đầy khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội cùng Huế, Sài Gòn từng bước vượt qua khó khăn bước vào thời kỳ đổi mới... Đây cũng là nền tảng để ba thành phố vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh.
Công viên băng tuyết lớn nhất thế giới mở cửa đúng ngày nắng nóng
Miền Bắc Việt Nam sẽ có thêm một Công viên địa chất toàn cầu UNESCO?