Khoảng 1 tuần nay, nhiều container hàng hóa đã chuyển hướng từ Lạng Sơn qua Cao Bằng để tìm cơ hội xuất khẩu.
Cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là một trong những cửa khẩu đang duy trì hoạt động thông quan. Sau khi gặp khó khăn về thông quan tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, nhiều hàng nông sản đã tập trung về đây.
Tuy nhiên, việc thông quan tại đây cũng gặp nhiều khó khăn nên nhiều container đã phải quay đầu trở lại.
Sau hơn 1 tháng lăn lộn với container thanh long từ Đồng Tháp ra các cửa khẩu tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn rồi Cao Bằng nhưng vẫn không xuất được hàng, nhiều lái xe đã quyết định quay lại để bán lẻ nội địa, kịp về quê đón Tết.
Lái xe cho biết, thanh long với mít là những loại hàng hoa quả chạy lạnh, nếu để lâu từ 15 - 20 ngày sẽ bị hỏng. Một ngày ở đây cũng mất khoảng 500.000 đồng, chưa tính tiền bến bãi. Nhiều xe về đến đây lại phải quay đầu đi tìm cửa khẩu khác.
Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng cho biết, do có các biện pháp chống dịch linh hoạt, hiệu quả nên các cửa khẩu tại tỉnh Cao Bằng như Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang vẫn duy trì được hoạt động thông quan. Mỗi ngày, khoảng 300 container hàng hóa được xuất nhập khẩu.
Tuy số lượng không nhiều, nhưng tại thời điểm này, việc duy trì xuất nhập khẩu đã góp phần giảm tải cho các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên khoảng 1 tuần nay, nhiều container hàng hóa chuyển hướng từ Lạng Sơn qua Cao Bằng để tìm cơ hội xuất khẩu, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Phía Trung Quốc cũng đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch, nên việc thông quan vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng cho biết, thu ngân sách của Hải Quan Cao Bằng tăng lên do sự dịch chuyển của hàng hóa qua địa bàn. "Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan Tà Lùng, Trà Lĩnh kết nối với các lực lượng, nhất là Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc thực hiện thông quan ngoài giờ hành chính để hàng hóa đi vào thuận tiện.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu tháng đến nay, khoảng 800 container hàng hóa chuyển hướng từ Lạng Sơn sang Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng cũng đã xây dựng "vùng xanh an toàn" cửa khẩu và "vùng đệm" ngoài khu vực cửa khẩu để phân luồng, khử khuẩn, test COVID-19 cho lái xe và hàng hóa trước khi đưa lên cửa khẩu.
Tuy nhiên hiện tại, các cửa khẩu vẫn đang trong tình trạng thông quan nhỏ giọt."Một ngày ở đây mất khoảng 500.000 đồng, chưa tính tiền bến bãi. Nhiều xe về đây lại phải quay đầu đi tìm cửa khẩu khác", anh Trần Văn An (lái xe) cho biết.
Điều gì đứng sau con số xuất siêu 1,06 tỷ USD?
Thành phố giàu nhất Việt Nam đạt 41,67 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng năm 2024