‘Cú sốc Amazon’ có lặp lại, khiến TNG điêu đứng như doanh nghiệp dệt may nghìn tỷ Gilimex?
The Children's Place (TCP) - hãng bán lẻ quần áo, khách hàng chiếm khoảng 10-15% lượng đơn hàng FOB của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), đang phải đối mặt với khó khăn tài chính nghiêm trọng trong suốt năm 2024.
Theo Bovnews, dù đã thực hiện các điều chỉnh chiến lược, như cắt giảm các hoạt động khuyến mãi không có lãi và tối ưu hóa chi phí, hãng bán lẻ quần áo của Mỹ - The Children's Place (TCP) vẫn giảm doanh thu và thua lỗ.
Trong quý đầu năm 2024, TCP ghi nhận mức giảm 16,7% doanh thu, do lượng khách hàng online và offline đều giảm, hậu quả suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. TCP cũng đang tiến hành đóng cửa hàng không hiệu quả như một phần trong quá trình tái cấu trúc.
Đến giữa năm 2024, doanh số bán hàng của TCP tiếp tục giảm 7,5% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giảm doanh thu thương mại điện tử và các hoạt động khuyến mãi không phát huy tác dụng. Tuy nhiên, công ty cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 25,4% lên 35%, nhờ các nỗ lực cắt giảm chi phí.
Bên cạnh đó, TCP cũng tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ mới, như khoản vay 90 triệu USD từ cổ đông lớn là Mithaq, nhằm ổn định thanh khoản. Dù vậy, công ty vẫn ghi nhận lỗ ròng 69,9 triệu USD trong nửa đầu năm nay.
The Children's Place là một thương hiệu bán lẻ thời trang trẻ em nổi tiếng tại Mỹ, được thành lập vào năm 1969, chuyên cung cấp quần áo, phụ kiện cho trẻ em từ sơ sinh đến thiếu niên. Mặc dù TCP có danh tiếng vững chắc ở thị trường Mỹ và Canada, nhưng thương hiệu này ít phổ biến tại các thị trường quốc tế.
Khó khăn của TCP có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của hãng, bao gồm những đối tác như TNG, khi khối lượng đơn đặt hàng giảm và sự bất ổn tài chính đe dọa tới các khoản phải thu.
Ảnh: Internet |
Trước lo ngại về rủi ro kinh doanh sắp tới liên quan tới TCP, TNG cho biết, đã lên kế hoạch giảm bớt lượng chuyền may cho hãng này kể từ quý IV năm nay, nhường chỗ cho các khách hàng khác.
Nhóm phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, TNG hoàn toàn có nguồn đơn thay thế cho lượng đơn giảm từ TCP và duy trì tăng trưởng trong năm 2025. Trong đó, nhiều khách hàng có quy mô lớn khác như H&M, Walmart, Lidl đã hoàn thành quá trình kiểm định (QT) tại các nhà máy của TNG và kỳ vọng gia tăng lượng đơn hàng trong năm nay.
Ngoài ra, nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới Decathlon tiếp tục nâng cấp quan hệ hợp tác chiến lược và đưa TNG trở thành top 3 nhà cung cấp của hãng, qua đó kỳ vọng lượng đơn gia tăng từ Decathlon.
Tính đến hết quý II, khoản phải thu từ TCP trị giá 376 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với hồi đầu năm. Khoản phải thu này chiếm trên 35% tổng các khoản phải thu khách hàng và bằng khoảng 12,8% tổng tài sản ngắn hạn của TNG.
Lãnh đạo TNG cho biết hiện tại, doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản phải thu trên do TCP vẫn huy động được nguồn vốn vay từ các ngân hàng lớn tại Mỹ như Wells Fargo, National Association hay Quỹ Mithaq - quỹ đầu tư tại Ả Rập (cổ đông lớn nhất của TCP). Bên cạnh đó, TCP cũng nỗ lực cải thiện hoạt động thông qua việc tái bổ nhiệm nhiều vị trí cấp cao có kinh nghiệm trong ngành thời trang.
Theo BCTC bán niên 2024 soát xét, TNG ghi nhận doanh thu thuần gần 3.527 tỷ đồng và lãi ròng 130 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 35% so với cùng kỳ; thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 42% mục tiêu lợi nhuận năm. Công ty cho biết do tập trung khai thác các dòng hàng khó, cộng với tối ưu hóa chi phí góp phần cải thiện kết quả lợi nhuận. Đây là bán niên có kết quả kinh doanh tốt nhất.
Ảnh minh họa Amazon (Internet) |
Ngành may mặc gia công tại Việt Nam thường có biên lợi nhuận thấp, do doanh nghiệp chỉ đóng vai trò sản xuất theo yêu cầu mà không kiểm soát được thiết kế hay thương hiệu. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào khách hàng lớn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro cao khi khách hàng gặp vấn đề. Họ mất khả năng đàm phán giá, bị ép giảm giá và không có đủ nguồn lực để tìm kiếm thị trường mới hoặc đơn hàng thay thế.
Trước đó, ngành dệt may Việt Nam đã chứng kiến một bài học sâu sắc từ Gilimex (GIL). Công ty dệt may từng có doanh thu cả nghìn tỷ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi quyết định giảm đơn hàng đột ngột của Amazon.
Từ năm 2014, Gilimex trở thành đối tác chính của Amazon và đầu tư hàng chục triệu USD vào nhà xưởng, xây dựng kho chứa hàng hoá cho hãng. Theo đó, số lượng sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm. Thời điểm dịch bệnh Covid, GIL còn điều chỉnh công suất nhà máy, sắp xếp nhân viên đáp ứng nhu cầu của Amazon nhằm đáp ứng đơn hàng tăng đột biến.
Dẫu vậy, tới tháng 4-5/2022, Amazon thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022.Quyết định đột ngột này dẫn đến việc Gilimex mất đi phần lớn doanh thu, vốn phụ thuộc 80-90% vào Amazon.
Từ quý III/2022, kết quả kinh doanh Gilimex lao dốc, doanh thu giảm trên 80%, khiến doanh thu cả năm 2022 giảm 24%. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính (không bao gồm lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác) bốc hơi 97%, còn vỏn vẹn 12 tỷ đồng.
Sang tới năm 2023, lãi ròng của Gilimex tiếp tục giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục, 319 tỷ đồng.
Đi cùng kết quả kinh doanh thua lỗ nặng nề, GIL cắt giảm hai phần ba lao động trong vòng hơn một năm và ráo riết chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp từ quý III năm ngoái.
Để bù đắp cho những tổn thất tài chính do gián đoạn đơn hàng Amazon, cuối năm 2022, GIL khởi kiện Amazon ra Tòa án Tối cao Bang New York, đòi bồi thường 280 triệu USD. Vụ kiện cho đến nay chưa có kết quả.
>> Dệt may TNG lập kỷ lục doanh thu, cổ phiếu tăng 49% từ đầu năm