Cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội đến nay đã hơn 200 tuổi, xây dựng theo kiểu vọng lầu, được Mỹ tài trợ 74.500 USD bảo tồn di tích

10-02-2024 08:51|Nhật Linh

Sau những biến cố lịch sử, đây là cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội.

Theo sử sách ghi lại, vào đời vua Lê Hiến Tông (1740 -1786) niên hiệu Cảnh Hưng, kinh thành Thăng Long có 16 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách báo chỉ còn nhắc đến tên của 5 cửa ô, đó là: Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng.

Ngày nay, Ô Quan Chưởng thuộc địa phận phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa.

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa

Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), có tên chữ là Đông Hà Môn (cửa Đông Hà – cửa ô ở phường Đông Hà trước kia). Đây là cửa ô được mở qua tường phía đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long xưa.

Công trình này đã từng được trùng tu, sửa chữa 2 lần, vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và năm Gia Long thứ 16 (1817), tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả của lần sửa chữa vào năm 1804.

Ô Quan Chưởng thuở xưa

Ô Quan Chưởng thuở xưa

Vốn dĩ cửa ô này có tên là ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ - chỉ huy vệ binh, người đã cùng với khoảng 100 binh lính nhà Nguyễn anh dũng chiến đấu chống quân Pháp khi chúng đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) qua cửa ô Đông Hà.

Trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội” của Hoàng Đạo Thúy đã nói về lịch sử cửa ô Quan Chưởng rất rõ như sau: “Song song với Hàng Ðậu là Hàng Khoai. Dưới chợ là Phố Mới; đầu phố, chỗ gần bờ sông có cửa ô Quan Chưởng (cửa Ðông Hà), còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu.

Trước khi Tây sang, tên Jean Dupuis (Ðồ Phổ Nghĩa) xây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú, khi Francisco Garnier đánh thành thì một ông Chưởng Cơ, cùng một trăm chiến sĩ, đã giữ cửa này đến người cuối cùng”.

Cửa ô này có tên là ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ

Cửa ô này có tên là ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ

Phố Ô Quan Chưởng thời thuộc Pháp có tên là Rue des Nattes en Joncs - phố Chiếu Cói, là nơi tập trung buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, được chở lên bằng thuyền.

Thời điểm chiếm đóng Hà Nội, người Pháp từng cho phá bỏ các công trình cũ nhằm mở rộng khu phố mới. Riêng ô Quan Chưởng, nhờ có sự đấu tranh kiên trì của dân chúng và ông cai tổng Đồng Xuân - Đào Đăng Chiểu (1845-1916), nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô, cuối cùng chủ trương đó không thực hiện được.

Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng và được xây dựng theo kiểu vọng lầu

Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng và được xây dựng theo kiểu vọng lầu

Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng và được xây dựng theo kiểu vọng lầu - một kiểu kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn. Tầng dưới có 3 cửa, một cửa nằm chính giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Cả ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn.

Nguyên liệu dùng để xây cửa ô Quan Chưởng là gạch vồ, đá, có kích thước khá lớn, tương tự như loại gạch dùng để xây tường ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cửa ô Quan Chưởng vừa là dấu tích vừa là một bằng chứng chứng minh tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta trong việc chống giặc ngoại xâm và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

Ô Quan Chưởng được công nhận là Di tích lịch sử vào năm 1995

Ô Quan Chưởng được công nhận là Di tích lịch sử vào năm 1995

Ô Quan Chưởng được công nhận là Di tích lịch sử vào năm 1995. Đến năm 2009, dự án bảo tồn Ô Quan Chưởng được thực hiện với kinh phí hơn 74.500 USD đã góp phần gìn giữ các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của cửa ô duy nhất còn lại ở kinh thành Thăng Long xưa.

>> Khám phá thương cảng từng sầm uất bậc nhất Việt Nam: Khi xưa còn được coi là "tiểu Tràng An" với 20 phường làm ăn, buôn bán

Thành cổ 900 tuổi dựng hoàn toàn bằng đá bazan, được ví như ‘Venice của Thái Bình Dương’

Tòa thành có niên đại cổ nhất Việt Nam, là nơi sở hữu cặp rồng đá nghìn năm tuổi vừa được công nhận bảo vật Quốc gia

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cua-o-duy-nhat-con-ton-tai-o-ha-noi-den-nay-da-hon-200-tuoi-xay-dung-theo-kieu-vong-lau-duoc-my-tai-tro-74500-usd-bao-ton-di-tich-d116087.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội đến nay đã hơn 200 tuổi, xây dựng theo kiểu vọng lầu, được Mỹ tài trợ 74.500 USD bảo tồn di tích
    POWERED BY ONECMS & INTECH