Cụm mộ cổ này gồm 3 cá thể được chôn cùng tại một thời điểm trong tư thế mai táng ngồi co bó gối.
Một cụm mộ cổ gồm 3 bộ xương người, cách ngày nay hàng nghìn năm và nhiều công cụ lao động bằng đá được phát hiện và đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Theo hồ sơ khai quật, cụm mộ cổ xuất hiện vào giai đoạn trung kỳ đồ đá mới. Ở thời kỳ này, người nguyên thủy ở các mái đá, hang động phía tây Thanh Hóa đã làm một cuộc di cư vĩ đại vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng, tiến ra biển tạo dựng nên một nền văn hóa nổi tiếng - Văn hóa Đa Bút. Được biết, văn hóa Đa Bút thuộc trung kỳ thời đại đá mới, tồn tại khoảng 3.000 năm. Nền văn hóa Đa Bút có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển văn hóa thời tiền sử Việt Nam. Đây là trung tâm chế tác gốm sớm, phát triển kỹ thuật chế tác đá tới đỉnh cao và tổ chức thuần hóa, nuôi trồng động, thực vật...
Cụm mộ này được khai quật tại di chỉ Cồn Cổ Ngựa (nằm trên cánh đồng xóm 5, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), vào năm 2013. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 146 di cốt với diện tích hố khai quật là 84m2.
Cụm mộ cổ này gồm 3 cá thể được chôn cùng tại một thời điểm trong tư thế mai táng ngồi co bó gối. Trong đó có 2 hài cốt là người lớn (1 nam, 1 nữ, khoảng 50-60 tuổi) và 1 trẻ em (vài tháng tuổi).
Ngoài cụm mộ cổ, tại bảo tàng còn lưu giữ các hiện vật gắn với cư dân nguyên thủy. Các hiện vật chủ yếu bằng đá, có kỹ thuật chế tác đỉnh cao như rìu, bàn mài, chày, bàn nghiền, chì lưới, mảnh gốm, đồ đựng bằng đất nung, hạt chuỗi…
Theo thống kê từ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay đơn vị đang lưu giữ và trưng bày hơn 30.000 hiện vật cổ. Đặc biệt, có khoảng 7.000 hiện vật có từ thời tiền sử, sơ sử và hơn 3.000 hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn.