Cuộc đấu giữa Viettel, VNPT và MobiFone được dự báo sẽ có sự thay đổi khi dịch vụ số mới là sân chơi chính của các nhà mạng trong tương lai.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau 5 năm diễn ra cuộc chiến chuyển mạng giữ số (từ 16/11/2018-8/5/2023), Viettel đứng đầu “cuộc đua”, có thêm thuê bao mới từ dịch vụ chuyển mạng giữ số này.
Cụ thể, trong số hơn 2,3 triệu thuê bao đăng ký chuyển đến Viettel từ các mạng khác thì đã có 1.857.505 thuê bao được chuyển thành công. Trong khi đó, số thuê bao chuyển đi của mạng này cũng tương đối thấp, chỉ là 623.405 thuê bao.
Viettel có lợi thế về hạ tầng, độ phủ sóng rộng đến nhiều vùng sâu, vùng xa, các gói cước được thiết kế hợp lý nên nhiều người dùng ưa chuộng.
Dịch chuyển thuê bao giữa các nhà mạng |
>> Viettel phải đầu tư trước hạ tầng số, mở không gian tăng trưởng mới
Có khoảng cách khá xa với Viettel, VinaPhone cũng có thêm 992.218 thuê bao mới, bằng gần 50% của Viettel và con số này của MobiFone là 374.105 thuê bao.
Ở chiều ngược lại, 2 nhà mạng này lần lượt có 636.908 thuê bao và 382.147 thuê bao chuyển đi thành công. Tỷ lệ thuê bao chuyển đi thành công trong 3 nhà mạng lớn này, Viettel cũng dẫn đầu, đạt 99,3%, cao hơn khoảng 6% so với 2 doanh nghiệp còn lại.
Dù khuyến mại lớn và liên tiếp nhưng hạ tầng mỏng nên Vietnamobile vẫn là nhà mạng có số thuê bao đăng ký chuyển đi nhiều nhất với hơn 1,7 triệu thuê bao. Và dù chỉ có gần 86% số thuê bao đăng ký chuyển đi thành công thì nhà mạng này cũng có tới 1.582.887 thuê bao rời mạng.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Mobicast - Wintel dù số thuê bao còn rất ít nhưng đã có tới 1.968 thuê bao đăng ký chuyển đến, trong đó chuyển thành công cho 1.236 thuê bao.
Theo Công ty Kiểm toán EY, cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã khiến ngành di động Việt Nam giảm khả năng sinh lời. Trong bức tranh đó, Viettel dù đạt tăng trưởng 6,06% về doanh thu hợp nhất nhưng nếu tính riêng doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước thì chỉ tăng 3,8%.
Viettel, VNPT, MobiFone không chỉ cạnh tranh nội bộ mà sẽ còn phải đương đầu với những đối thủ mới đến từ các công ty công nghệ lớn ở trong nước và quốc tế. Dù khốc liệt nhưng theo dự báo của EY, lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam rất hấp dẫn, ước đạt 11,8 tỷ USD năm 2025 so với mức 7 tỷ USD năm 2020 và có thể đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2030.
EY nhận định, đến năm 2025, các dịch vụ số chiếm tỉ trọng lớn sẽ là thanh toán di động, thương mại điện tử, internet vạn vật (IoT), quảng cáo số, nội dung số, giao dịch trên ứng dụng, truyền thông số, giáo dục số, game trực tuyến, nhạc số và y tế số... Nếu doanh nghiệp viễn thông nào sớm tham gia cung cấp hạ tầng, kết nối và gia nhập chuỗi cung ứng dịch vụ số cho xã hội, doanh nghiệp đó sẽ có nhiều cơ hội.