Lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe cũng như làm đẹp của người dân tăng cao, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng nhưng lại dán mác nhập ngoại, lừa đảo người tiêu dùng.
"Ma trận" thực phẩm chức năng
Vào cuối tháng 5 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 50m2, nằm sâu trong khu dân cư ở thôn Cao sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phát hiện và bắt quả tang cơ sở này có dấu hiệu vi phạm, sản xuất hàng hóa là thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Ghi nhận thực tế khu vực sản xuất khá ẩm thấp, chật chội, với 4 nhân công làm việc đều là người ở địa phương khác đang thực hiện hành vi gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén, đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác với số lượng viên được định lượng trước.
Qua khai thác lời khai, các nhân công thừa nhận, sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như: Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collagen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA... lên phía ngoài vỏ hộp.
Để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, các đối tượng này còn sử dụng tem chống hàng giả nghi bị làm giả để dán lên bao bì. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12 nghìn lọ, hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt, ghi xuất xứ đến từ các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Thực tế cho thấy, thực phẩm chức năng không chỉ có mặt tại các quầy tân dược mà còn được chào bán tràn lan trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... với những lời quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh.
Mới đây nhất, ngày 13/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn bán hàng giả là thực phẩm xảy ra tại khu vực Cổng khu đô thị GoldMark City phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Đồng thời cơ quan này cũng ra Quyết định khởi tố 02 bị can là ông Lê Văn Hữu (chủ sở hữu của lô hàng) và bà Trương Thị Thảo (quản lý kinh doanh hệ thống bán hàng online) về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Vụ việc được Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phát hiện và kiểm tra sau thời gian dài theo dõi việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và phát hiện dấu hiệu vi phạm tại Điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Time Coffee , số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Tiến hành kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng ghi nhận tại đây, có 12 nhân viên đang thực hiện hoạt động kinh doanh: Đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh được thực hiện chủ yếu trên mạng xã hội với tài khoản "Viên sủi Lady – chính hãng". Hàng hóa tại thời điểm này gồm có 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực (20 viên/hộp); 21 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3 hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm béo (20 viên/hộp); 46 hộp Collagen Firming Sleeping Mark do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên.
Làm việc với lực lượng chức năng, chủ hàng cho biết đã thuê địa điểm tại Hoài Đức, Hà Nội để kinh doanh online trên mạng xã hội facebook.
Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 Nguyễn Huy Cường, đây là vụ khởi tố đầu tiên trên không gian mạng do lực lượng quản lý thị trường phối hợp phát hiện và xử lý. Trong thời gian tới, đội sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát không chỉ trên thị trường truyền thống mà cả hoạt động kinh doanh trên các nên tảng số, trên môi trường mạng.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân về vấn đề này chủ yếu do luật chưa theo kịp thực tiễn, đôi lúc các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hằng này. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ, nên chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào hàng thật khi tiêu thụ.
Thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ trong khi hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn khá lỏng lẻo. Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác.
Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ về loại sản phẩm mang thương hiệu nào đó thì lập tức cho dán nhãn mác giả. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng giả nhãn mác là hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được "phù phép" thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia.
Để quản lý tốt hơn thị trường thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) kiến nghị, cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, kiên quyết thu hồi, dừng cấp phép có thời hạn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng giả nhãn mác hoặc sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố.
Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng thực phẩm chức năng như một loại "thần dược" có thể chữa bách bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị "móc túi" vì tin vào quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, thậm chí là sử dụng hàng giả, người dân cần phân biệt và hiểu rõ giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Thuốc là để điều trị, chữa bệnh, bắt buộc bác sĩ phải kê đơn và bệnh nhân uống theo chỉ dẫn, còn thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khoẻ ở mức độ bình thường, không phải là thuốc...