Cuộc đời hoàng hậu gắn liền với quá trình mở nghiệp đế vương của họ Trần, từ hoàng hậu triều Lý trở thành vợ của Thái sư tài ba trong lịch sử

14-03-2024 16:17|Nam Trần

Cuộc đời của bà gắn chặt với giai đoạn đầu của Vương triều Trần, trải qua bao thăng trầm, vinh có, nhục có...

Cuộc đời đầy thăng trầm

Trần Thị Dung là một trong những nhân vật lịch sử nổi bật nhất thời nhà Trần. Bà từng là vợ của vua Lý Huệ Tông, sau cải giá lấy người mình yêu là Trần Thủ Độ - vị Thái sư quyền lực nắm giữ quyền lực tối cao trong triều đình nhà Trần. Cuộc đời đầy thăng trầm cùng những bí ẩn xung quanh bà đã khiến Trần Thị Dung trở thành đề tài thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia lịch sử.

Xuất thân từ gia đình quý tộc nhà Lý, Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý, một hào trưởng giàu có và tầm ảnh hưởng to lớn tại vùng Hải Ấp (nay thuộc Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Hoàng hậu Trần Thị Dung

Hoàng hậu Trần Thị Dung

Năm 1209, kinh thành Thăng Long có biến bởi loạn Quách Bốc, thái tử nhà Lý là Lý Hạo Sảm, trong lúc chạy loạn, đã gặp Trần Thị Dung và đem lòng yêu mến.

Anh trai bà là Trần Tự Khánh cùng anh cả là Trần Thừa, em đằng mẹ là Tô Trung Từ lấy danh nghĩa Lý Hạo Sảm để tập hợp lực lượng quân sự, dựng cờ mộ quân nghĩa dũng được gần 3.000 người rồi hộ tống thái tử về khôi phục kinh thành.

Khi tiến về triều đánh Quách Bốc, Trần Lý tử trận, thế lực quân nghĩa dũng lọt vào tay Tô Trung Từ. Mùa đông năm 1210, vua Lý Cao Tông băng hà khi chỉ mới 38 tuổi. Thái tử Hạo Sảm, lúc ấy mới 16 tuổi, chính thức lên ngôi lấy hiệu là Lý Huệ Tông. Đàm hậu, mẹ vua, được tôn làm Hoàng thái hậu. Vừa lên ngôi, vua Lý Huệ Tông đã lập tức sai người đem thuyền rồng đi đón Trần Thị Dung về kinh sư.

Mặc dù được vua Lý Huệ Tông sủng ái, nhưng do vua nghi ngờ anh trai Trần Tự Khánh của bà phản nghịch, bà bị giáng xuống hàng Ngự nữ (bậc thấp nhất trong thê thiếp của vua), chịu đựng nhiều uất ức. Năm 1216, bà được phong làm Thuận Trinh Phu nhân và đến cuối năm ấy lại được chính thức phong làm Hoàng hậu.

Cải giá lấy Thái sư

Hoàng hậu Trần Thị Dung hạ sinh hai công chúa. Trưởng công chúa Thuận Thiên (Lý Thị Oánh) vào năm 1216, sau này được gả cho Trần Liễu (phụ thân của Trần Hưng Đạo), và công chúa thứ hai Chiêu Thánh, sinh năm 1218. Sau vì Lý Huệ Tông không có con trai lại mắc bệnh, Chiêu Thánh được truyền ngôi vào năm 1224, đó là Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), hoàng đế cuối cùng của triều Lý.

Cuối năm 1225, Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh - em ruột của Trần Liễu (Liễu là con của Trần Thừa) và ngay sau đó thì nhường ngôi cho chồng (sử sách cho là có sự giúp sức của Trần Thị Dung). Sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng đánh dấu sự kết thúc của nhà Lý và mở ra triều đại nhà Trần.

Đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Do đã có cảm tình với Thủ Độ từ trước, lại thêm về cuối đời, vua Huệ Tông không quan tâm việc nước, việc nhà, khiến hoàng hậu Trần Thị Dung chán nản duyên cũ mà trong lòng nảy sinh tình mới. Sau khi nhà Trần nắm đại quyền thay cho nhà Lý đến đầu năm 1226, Trần Thị Dung chính thức cải giá lấy Thái sư Trần Thủ Độ và được tôn xưng là Linh Từ Quốc mẫu. Cùng nhau, họ đã góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1257 - 1258.

Bà và Trần Thủ Độ có một người con trai chung tên là Trần Phó Duyệt. Năm 1259, bà Trần Thị Dung qua đời. Theo di nguyện của bà, hoàng tộc nhà Trần đã đưa bà về an táng tại Phủ Ngừ (nay là xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà). Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân đã xây dựng đền thờ Linh Từ Quốc mẫu ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Cuộc đời bà Trần Thị Dung gắn chặt, có vai trò nhất định đối với sự chuyển đổi quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Có thể nói bà là người phụ nữ thông minh, quyền biến, dám vượt phận, dũng cảm chịu thách thức số phận, nhiều lần bị thay ngôi đổi vị, do sự biến đổi của thời thế, nhưng biết kiên trì sống vì mục đích.

Có nhiều ý kiến phê phán bà không trọn nghĩa với vua Lý, tuy nhiên, những người ủng hộ bà cho rằng những việc làm của bà đều vì mục đích lớn lao là: Xây dựng triều Trần, duy trì sự tồn tại và phát triển cơ nghiệp của họ Trần vốn phát tích từ quê hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định.

>> Vì sao các vị vua nhà Nguyễn không lập Hoàng hậu?

Vị hoàng hậu duy nhất của nền phong kiến Việt Nam trực tiếp cầm quân đánh giặc

Người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam là 'hoàng hậu hai triều'

Dấu tích ngôi chùa Vua 200 năm tuổi tọa lạc trên nền tháp Chăm miền Chiêm Sơn, là quốc tự đặc biệt gắn với hai lăng hoàng hậu triều Nguyễn

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cuoc-doi-hoang-hau-gan-lien-voi-qua-trinh-mo-nghiep-de-vuong-cua-ho-tran-tu-hoang-hau-trieu-ly-tro-thanh-vo-cua-thai-su-tai-ba-trong-lich-su-d118008.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cuộc đời hoàng hậu gắn liền với quá trình mở nghiệp đế vương của họ Trần, từ hoàng hậu triều Lý trở thành vợ của Thái sư tài ba trong lịch sử
POWERED BY ONECMS & INTECH