Cuộc đua ‘đốt tiền’ giành thị phần của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
Với thị trường được đánh giá màu mỡ như Việt Nam, các sàn thương mại điện tử liên tục đốt tiền để chạy đua giành thị phần. Trong năm nay, thứ hạng của các sàn tiếp tục có sự thay đổi, đặc biệt với sự xuất hiện của một số gương mặt mới như Temu, Shein... cuộc cạnh tranh tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam càng trở nên khốc liệt.
Sàn ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt
Theo báo cáo mới nhất được Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử) vừa phát hành, trong 9 tháng năm nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh thu đạt 227.700 tỷ đồng, (tương đương 9,5 tỷ USD), tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý III, doanh thu đã đóng góp 84.700 tỷ đồng, thể hiện sự sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Thị trường Việt Nam hiện xoay quanh 5 sàn thương mại điện tử nổi bật nhất là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, và Sendo. Năm ngoái, doanh thu của 5 sàn này đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022; trong đó Shopee vẫn đứng đầu với hơn 70% thị phần, xếp thứ 2 là Lazada và tiếp đến là TikTok Shop.
Điều đáng nói, từ quý 1 năm nay, thị trường chứng kiến sự phân chia lại thị phần giữa các sàn. Shopee - sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore tiếp tục dẫn đầu, nhưng vị trí thứ 2 đã chuyển từ Lazada (một ông lớn trong ngành, được sự hậu thuẫn từ gã khổng lồ Alibaba của Trung Quốc) sang TikTok Shop.
Doanh số và thị phần của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam từ 1/6-1/10 năm nay. Nguồn: Metric. |
Theo dữ liệu từ Metric, trong nửa đầu năm, Shopee đạt doanh thu khoảng 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; còn TikTok Shop đạt 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Ngược lại, Lazada chỉ đạt 6.030 tỷ đồng, chiếm 7,6% thị phần và Tiki vỏn vẹn 1,3% thị phần với 997,06 tỷ đồng.
Đặc biệt, sang quý III, TikTok Shop tiếp tục bứt phá với mức tăng đến hơn 110% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Shopee chỉ tăng hơn 11%. Trong khi đó, doanh thu Lazada và Sendo liên tục đi xuống theo từng tháng. Hiện Sendo – nền tảng “Make in Việt Nam” chiếm thị phần không đáng kể trước sự vươn lên của các đối thủ. Còn Tiki - nền tảng nội địa cũng hụt hơi, và cố gắng đặt mức tăng trưởng sau khi trải qua thời gian thụt lùi.
Dự báo tiếp tục cạnh tranh khốc liệt
Trong khi các sàn thương thương mại điện tử đang cạnh tranh khốc liệt, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện các sàn thương mại “chui” Temu, Shein... đến từ Trung Quốc, tiếp tục làm dậy sóng thị trường.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia thương mại điện tử đánh giá, sau khi đánh chiếm thị trường châu Âu, Mỹ… việc Temu xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong thời điểm này là bước đi khôn ngoan. Bởi, trong những năm qua, các sàn thương mại điện tử đã đốt hàng nghìn tỷ đồng để thay đổi thói quen của người dùng Việt Nam; chuyển từ giao dịch truyền thống sang xu hướng mua sắm trực tuyến.
“Temu xuất hiện lúc này không cần phải đổ tiền để thay đổi hành vi người tiêu dùng. Ngược lại họ dùng số tiền này, và chi sẵn sàng chi khủng để làm truyền thông, quảng cáo tại các thị trường mà họ sắp nhảy vào”, vị này cho hay.
Năm ngoái Temu chi tới 2 tỷ USD để quảng cáo trên Facebook và Instagram. Tại thị trường Việt Nam, ngay từ khi xuất hiện, Temu áp dụng hình thức Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết), thưởng tiền, hoa hồng cao…khiến số lượng người đua nhau quảng bá cho sàn thương mại điện tử này lên đến hàng trăm nghìn người trên các hội nhóm, trang mạng xã hội.
Mỗi lần giới thiệu tải ứng dụng thành công, người dùng được thưởng 150.000 đồng (cộng với 50.000 đồng sẵn có) đã khiến nhiều người vào chia sẻ, giúp Temu nổi sóng trên các trang mạng xã hội. |
Theo đó, khi giới thiệu thành công 1 người dùng tải, đăng ký ứng dụng, người dùng sẽ được tặng 150.000 đồng (chuyển về tài khoản Paypal) và hoa hồng khi họ mua sắm. Bạn bè tạo tài khoản từ đường dẫn giới thiệu cũng được tặng thẻ mua hàng trị giá 1,5 triệu đồng. Điều này khiến cộng đồng đua nhau chia sẻ thông tin, các đường dẫn đăng ký cho Temu. Không ít nhân vật nổi tiếng và một số doanh nghiệp trung gian cũng đứng ra quảng cáo cho sàn này để nhận thưởng. Trong nhóm tài khoản đứng đầu mức thưởng nhờ tiếp thị liên kết cho Temu, có tài khoản nhận thưởng đến hàng trăm triệu đồng.
“Đến khi lượng người dùng biết lớn, và bắt đầu quen sử dụng nền tảng này, Temu sẽ dần siết chặt chính sách. Họ sẵn sàng chi khủng với mục đích để chiếm lĩnh và bóp nghẹt các sàn thương mại điện tử khác, như cách Temu làm ở các thị trường”, vị chuyên gia cho hay.
Theo tìm hiểu, hiện Temu nhắm đến người dùng tại Việt Nam với những chính sách thu hút như giao hàng miễn phí cho tất cả các đơn hàng, hoàn tiền vì 30 ngày không giao hàng, hoàn tiền vì 15 ngày không cập nhật, giảm giá rất sâu, có những mặt hàng được quảng cáo là giảm lên đến 99%.
Sàn này chưa hỗ trợ hình thức thanh toán khi nhận hàng tại Việt Nam. Muốn mua được hàng, người dùng phải thanh toán trước bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay và chưa hỗ trợ các ví điện tử phổ biến khác.
“Thương mại điện tử hơn nhau ở khâu logistics - vận chuyển. Sau khi làm dậy sóng thị trường, sàn này chắc chắn thành lập văn phòng, hoặc doanh nghiệp tại Việt Nam để xin cấp phép, và hợp tác với doanh nghiệp logistics để hoàn thiện hệ thống. Thậm chí, Temu có thể mua lại một sàn thương mại điện tử nhỏ đã cấp phép để thừa hưởng các hạ tầng như cách mà các sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Amazon… từng làm”, vị chuyên gia nói.
Theo dự báo của Metric, trong quý 4 năm nay sẽ là giai đoạn quan trọng cho thương mại Việt Nam, với tổng doanh số dự kiến đạt 80.600 tỷ đồng và 870 triệu sản phẩm được bán ra. Đặc biệt, tháng 11 và 12 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, với mức tăng trưởng doanh số lần lượt 20% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ hội lớn cho các sàn thương mại điện tử tận dụng để đẩy mạnh doanh thu, gia tăng thị phần.
Cảnh báo rủi ro giao dịch trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Khởi tố ông chủ có doanh thu trăm tỷ trên sàn thương mại điện tử nhưng trốn thuế