Với những phong tục tập quán khác lạ, nơi đây được mệnh danh là ‘đóa hoa cuối cùng của văn hóa mẫu hệ phương Đông’.
Hồ nước Lugu ở chân dãy Himalaya là quê hương của tộc người Mosuo. Ở độ cao 2.700m so với mực nước biển, thành phố gần nhất cách nơi đây tới 6 tiếng đi xe, hồ Lugu là một vùng xa xôi hẻo lánh nên những phong tục tập quán độc đáo của người Mosuo vẫn được bảo tồn. Điển hình trong số đó phải kể đến phong tục phụ nữ được quyền chọn chồng, sinh và nuôi con nhưng không sống chung với chồng.
Người Mosuo có dân số khoảng 40.000 người và hàng thế kỷ qua họ chỉ sinh sống ở bờ hồ Lugu - ranh giới giữa tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam (Trung Quốc) bao quanh là vùng núi cao hiểm trở. Họ sống tụ lại cùng nhau trong những ngôi làng đẹp như tranh vẽ với mái nhà gỗ mộc mạc.
Một trong những tập tục đặc biệt ở đây là zouhun (có nghĩa là "cưới đi"). Sau lễ trưởng thành, những phụ nữ Mosuo có thể tự chọn người mình yêu và nhiều bao nhiêu tùy thích. Trong suốt những cuộc hôn nhân, đàn ông sẽ tới thăm nhà phụ nữ theo lời mời, và ngủ lại qua đêm trong "phòng hoa", nghỉ ngơi một ngày rồi quay về nhà họ. Các cặp vợ chồng không sống với nhau và những đứa trẻ sinh ra cũng được nuôi nấng hoàn toàn bởi gia đình người mẹ, các anh em trai và chú bác vẫn có vai trò là cha anh.
Được biết, trong gia đình người Mosuo không có bố nhưng vẫn có cậu. Người cậu này phải tham gia mọi hoạt động của gia đình, nuôi dạy con cái của chị hoặc em gái, cùng nhau duy trì trật tự xã hội mẫu hệ. Phương diện kinh tế của người cậu này vẫn do gia đình mẫu hệ của họ chi phối. Về già, người cậu sẽ được chăm sóc bởi các cháu của mình. Tối đi tìm nhà để “tẩu hôn”, sáng về làm việc cho gia đình.
Đàn ông vẫn đóng vai trò quan trọng trong xã hội của người Mosuo. Theo truyền thống, họ thường phải xa làng, đi theo những đoàn buôn lớn để bán các sản vật địa phương. Họ cũng có trách nhiệm xây dựng nhà cửa, đánh bắt cá và làm thịt các loại gia súc...
Mặc dù hồ Lugu được coi là một trong số ít vùng đất còn tồn tại chế độ mẫu hệ, đây mới chỉ là những truyền thống mang tính "mẫu hệ" của người Mosuo. Đàn ông vẫn có quyền lực chính trị trong xã hội lớn hơn còn phụ nữ, lại đứng đầu mọi việc trong nhà (chủ hộ) và quán xuyến những nguồn lực trong gia đình.
Của cải được truyền lại thông qua người mẹ sau khi qua đời, vì thế phụ nữ Mosuo luôn có nhiều đặc quyền và sự tự do của mình.
Người Mosuo tin rằng người mẹ phải được kính trọng và mẹ chi phối mọi thứ. Người mẹ là trụ cột và chỗ dựa cho cuộc sống của người Mosuo. Tất cả các thành viên trong gia đình đều là con cháu của mẹ hoặc bà. Phụ nữ trong gia đình cả đời sống với mẹ. Trong lòng họ chỉ có quê mẹ mới là quê hương đích thực và vĩnh cửu, quê mẹ luôn rộng mở chào đón.
Bước vào kỷ nguyên văn minh thế kỷ 21, người Mosuo bên bờ hồ Lugu vẫn giữ nguyên chế độ mẫu hệ cổ xưa, gia đình hòa thuận, xã hội hòa bình. Đối với người Mosuo, tẩu hôn khiến họ yêu và lãng mạn cả đời, viết nên những đoạn cảm xúc thuần khiết nhất. Ngày nay, người Mosuo được mệnh danh là "đóa hồng cuối cùng của văn hóa mẫu hệ phương Đông".