Cướp ngân hàng liên tục xảy ra, do đâu?

08-02-2024 06:06|Trâm Anh

Trung bình 48 tiếng, thủ phạm sẽ bị cơ quan chức năng bắt, tại sao các vụ cướp ngân hàng vẫn xảy ra?

Gần đây, tội phạm cướp ngân hàng ngày càng gia tăng về số vụ, tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh gây bức xúc dư luận. Phần lớn các đối tượng phạm tội thường nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu xài cá nhân, ham mê cờ bạc muốn có một khoản tiền lớn nhưng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định phạm tội.

Tội phạm không chỉ là những người không có công ăn việc làm hay ít hiểu biết, có rất nhiều trường hợp đối tượng cướp ngân hàng là người có địa vị xã hội.

>> Lâm Đồng: Truy bắt kẻ cướp ngân hàng nổ súng khi bỏ chạy

Theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2015 đến tháng 12/2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 62 vụ cướp liên quan đến các chi nhánh ngân hàng. Cơ quan công an đã nhanh chóng điều tra, khám phá, xử lý đối tượng gây án đối với 60/62 vụ, đạt tỉ lệ 97%.

Lý giải nguyên nhân các vụ cướp ngân hàng liên tục xảy ra

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy, Chi hội trưởng Chi hội tâm lý học trường học TP.HCM (thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, những người đang trong tình trạng nợ nần túng quẫn thường cảm thấy tuyệt vọng, không còn hy vọng giải quyết khó khăn bằng chính năng lực của bản thân. Họ rất dễ nổi nóng, thiếu khả năng điều tiết cảm xúc và hành động. Họ thiếu nhận thức đúng đắn về pháp luật, không suy nghĩ kỹ về hậu quả, về tương lai nên dễ dẫn đến hành vi cướp tài sản, mà gần đây cướp ngân hàng nổi lên như một hiện tượng.

Cướp ngân hàng liên tục xảy ra, do đâu?
Các vụ cướp ngân hàng liên tục xảy ra

Thạc sĩ Huy đánh giá, những hội nhóm khuyến khích làm liều gây tác động xấu, thôi thúc người nợ nần hành động dại dột. Các hội nhóm này đa phần được một số người tạo ra dựa trên tâm lý đám đông khi tại môi trường này tập hợp rất nhiều người cùng hoàn cảnh, cùng suy nghĩ và có thể tệ hơn là cùng động cơ gây án.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các hội nhóm trên mạng, bởi bản thân những nghi phạm cướp ngân hàng vẫn là đối tượng chính, là người đã nghĩ ra ý định cướp để... giải quyết khó khăn. Các nhóm này chỉ là môi trường góp phần khuếch đại nguy cơ vi phạm pháp luật và là môi trường thuận lợi cho các nghi can có ý định gây án gặp nhau, từ suy nghĩ sẽ có khả năng thành hành động.

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM nhận định, có nhiều nguyên nhân thúc đẩy các nghi can hành động cướp ngân hàng. Đó có thể là một bộ phận thanh thiếu niên lười lao động, muốn có tiền mà không phải đi làm, hay một số người thường xuyên tiếp xúc với phim ảnh, trò chơi bạo lực nên bị ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ. Hoặc cũng có thể là người nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá dẫn đến thua lỗ, không có tiền trả nợ. Nguy hiểm hơn là những người lợi dụng các hội nhóm trên mạng xã hội để câu kết, kêu gọi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm) phân tích, khi người ta rơi vào cảnh túng quẫn không lối thoát, suy nghĩ của họ thường tiêu cực, có xu hướng tìm những nguồn tiền bất hợp pháp và muốn tìm cách nhanh nhất để kiếm có nhiều tiền. Nghiêm trọng hơn, sự xuất hiện của các hội nhóm "quái gở" trên mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người này.

>> Nghệ An: Truy bắt đối tượng cướp ngân hàng táo tợn cận Tết Nguyên Đán

Ngân hàng làm gì để phòng, chống tội phạm cướp?

Trước những vụ cướp liên tục xảy ra, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cần có hệ thống camera giám sát cả bố trí công khai và bí mật, có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch. Các video thu được phải chất lượng tốt để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng.

Ngoài ra, các phòng giao dịch cũng nên lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an sở tại gần nhất. Hệ thống này phải được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.

Các ngân hàng, cơ sở kinh doanh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ cho nhân viên và lực lượng bảo vệ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, đánh giá các tình huống xử lý khi xảy ra để áp dụng các biện pháp phù hợp...

Đối với người dân, Bộ Công an khuyến cáo, trước và sau khi thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến gửi và rút tiền mặt tại các phòng giao dịch của ngân hàng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa các đối tượng cướp ngân hàng.

Đồng thời, khách hàng cần chú ý quá trình bảo vệ tài sản, tiền khi lưu thông từ nơi cất giữ đến ngân hàng và ngược lại, nhất là vào những khung thời gian, đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại và ngay tại thời điểm vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng.

Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn, các vụ án liên quan đến tội phạm cướp ngân hàng trên các phương tiện thông tin, báo chí. Từ đó, hạn chế những sơ suất để tội phạm khai thác và có giải pháp tự bảo vệ bản thân.

>> Tuyên phạt 9 năm tù kẻ cầm đầu vụ cướp ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh

Lâm Đồng: Truy bắt kẻ cướp ngân hàng nổ súng khi bỏ chạy

Hồi kết cho câu chuyện ly kỳ truy bắt cướp ngân hàng tại Nghệ An

Nghệ An: Truy bắt đối tượng cướp ngân hàng táo tợn cận Tết Nguyên Đán

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuop-ngan-hang-lien-tuc-xay-ra-do-dau-222672.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cướp ngân hàng liên tục xảy ra, do đâu?
POWERED BY ONECMS & INTECH