Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận có can thiệp giúp Việt Á ở Hải Dương
Tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á chiều 3/1, HĐXX dành thời gian để thẩm vấn cựu Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước câu hỏi: Bị cáo có can thiệp gì giúp Việt Á không? Ông Nguyễn Thanh Long cho hay, duy nhất có can thiệp ở Hải Dương.
Theo cáo buộc, các ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký bị cáo Long) biết rõ test xét nghiệm Covid-19 là sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước, Công ty Việt Á không phải là đối tượng được cấp số đăng ký, nhưng đã đồng ý làm theo một số đề nghị của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt.
Cụ thể, hai bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Công ty Việt Á xuyên suốt trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho Test xét nghiệm trái quy định của pháp luật, biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á; hiệp thương giá, thanh toán 200.000 test xét nghiệm theo giá đã được Công ty Việt Á nâng khống, công khai giá để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm và giới thiệu với các lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại test xét nghiệm Covid-19.
Hành vi của hai bị cáo bị cho là đã gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.
Quá trình giúp Công ty Việt Á, ông Nguyễn Thanh Long đã thông qua bị cáo Nguyễn Huỳnh gợi ý và nhận tiền hối lộ của Phan Quốc Việt nhiều lần.
Cáo trạng xác định, ông Nguyễn Thanh Long đã nhận tổng cộng 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng); ông Nguyễn Huỳnh nhận tổng cộng 2,2 triệu USD và 4 tỷ đồng, trong đó số tiền 2,2 triệu USD, ông Huỳnh nhận để chuyển cho ông Long.
Cựu Bộ trưởng nhận sai
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Thanh Long trình bày, trong bối cảnh cấp bách về phòng chống dịch, thời điểm đó cần phải có một sản phẩm để chống dịch. Bị cáo chỉ được biết đến kit test của Việt Á sau khi kit test đã được cấp phép. Lúc đó bị cáo nói ông Huỳnh không dính vào.
Bản thân bị cáo cũng không tin là Việt Á sản xuất được kit test, nhưng khi đó ông Huỳnh nói là Học viện Quân y phối hợp với Việt Á sản xuất. Bị cáo cho hay, khi nghe Huỳnh hay ca ngợi sản phẩm Việt Á, đã nói: "Ăn vàng ăn bạc gì mà bảo vệ".
Vẫn theo lời khai của ông Nguyễn Thanh Long, khi được ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế- PV) báo cáo về việc cấp phép, bị cáo cũng nhắc Tuấn cấp phép tạm thời 6 tháng. “Tôi nhắc cần truyền thông giải thích với người dân đây là việc cấp phép tạm thời. Về cấp phép chính thức, nằm trong cái chung, nôn nóng có sản phẩm chống dịch nên sản phẩm kit test được cấp phép”, cựu Bộ trưởng khai.
Trình bày trước tòa, ông Long thừa nhận có phần trách nhiệm trong việc đôn đốc cấp phép.
Đối với việc Phan Quốc Việt đề nghị ông Long để Trung ương dùng kit test Việt Á rồi các địa phương thực hiện theo, bị cáo Long khai đều từ chối và bảo đơn vị nào trúng thầu của công ty nào thì sử dụng kit test của công ty đó.
Bị cáo khẳng định: “Tôi rất quân bình với tất cả các vấn đề. Tôi không thực hiện theo yêu cầu của Việt Á".
Trả lời câu hỏi thẩm vấn: Bị cáo có ưu ái hay hỗ trợ gì Phan Quốc Việt không, bị cáo Nguyễn Thanh Long cho biết không hề có chuyện ưu ái hay hỗ trợ gì Chủ tịch Việt Á.
Trước câu hỏi: Bị cáo có can thiệp gì giúp Việt Á không? Ông Nguyễn Thanh Long cho hay, duy nhất có can thiệp ở Hải Dương.
Tại tòa, cả bị cáo Phan Quốc Việt và ông Nguyễn Thanh Long đều khai rằng đã quen nhau từ năm 2017, khi cả hai tham gia một cuộc khai trương trạm y tế ở quận 3, TP HCM, nhưng sau đó hai bên không liên lạc.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Huỳnh thừa nhận có đề nghị Chủ tịch Việt Á hỗ trợ 2 lần, mỗi lần 1 triệu USD để làm việc.
Trước lời khai của ông Huỳnh, ông Long trình bày: “Tôi không đòi hỏi, gợi ý gì. Trong quá trình điều tra tôi đã thành khẩn, nói với gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đó".
Trước câu hỏi của HĐXX: Bị cáo nói rất công tâm, tại sao Phan Quốc Việt đưa tiền lại nhận, cựu Bộ trưởng trả lời: "Tôi đã sai, tôi xin lỗi".
>> Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt ‘rải tiền’ ở nhiều tỉnh để được hưởng đặc quyền