Doanh nghiệp

Cựu cán bộ Lê Hải Trà lĩnh án 5 năm, ông Trần Đắc Sinh nhận 6 năm 6 tháng

Hoàng Ngân 05/08/2024 17:03

Trong số 50 bị cáo vụ FLC, có 7 bị cáo là cựu cán bộ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Sau hai tuần xét xử và nghị án, chiều ngày 5/8, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC.

Ông Quyết bị TAND Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù do Thao túng thị trường chứng khoán. Tổng mức hình phạt viện kiểm sát đề nghị đối với ông Quyết là 21 năm tù.

Đối với 3 bị cáo là cựu cán bộ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) bị truy tố tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị tuyên phạt mức án cụ thể như sau:

Bị cáo Trần Đắc Sinh (Cựu chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) nhận mức án phạt 6 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Hải Trà (Cựu ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực, Thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) lĩnh 5 năm tù.

Bị cáo Trầm Tuấn Vũ (Cựu Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết HoSE) nhận án phạt 5 năm 6 tháng tù.

tdsinh(1).jpg
Bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT HoSE, ngày 5/8. Ảnh: Giang Huy

>> Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS khống lên sàn chứng khoán thế nào?

Các đối tượng bị cáo buộc biết rõ việc CTCP Xây dựng Faros (mã cổ phiếu ROS) của ông Trịnh Văn Quyết đã huy động 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ bằng những quy trình bất thường và báo cáo tài chính có chênh lệch hàng trăm tỷ đồng nhưng không can thiệp. Khai nhận với cơ quan điều tra, các bị cáo nói do "Lo sợ công ty lớn, muốn tạo điều kiện, muốn giúp đỡ, có thân quen" nên dù biết là hành vi sai trái nhưng vẫn dung túng.

Trước đó, VKSND đề nghị Tòa xử phạt bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 8-9 năm tù; Lê Hải Trà, nguyên ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 6-7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, từ 6-7 năm tù.

Trước đó, khi được nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HoSE) cho biết, trong bao nhiêu năm làm việc, bị cáo luôn có mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán phát triển vững mạnh, minh bạch. Bị cáo Sinh thừa nhận để xảy ra vi phạm là do lỗi lầm của bản thân và qua vụ án đã rút ra được nhiều bài học.

Với cương vị từng là lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, bị cáo Sinh kính mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt các bị cáo từng là thuộc cấp của ông mức án nhẹ nhất.

lh-tra.jpg
Cựu Phó Tổng giám đốc thường trực HoSE Lê Hải Trà. Ảnh: Ngọc Thành

Bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng Giám đốc HoSE) cho biết, bản thân bị cáo đã có nhận thức đầy đủ và rõ ràng về hành vi, mức độ sai phạm của mình. Bị cáo không bao giờ có mảy may suy nghĩ rằng một ngày nào đó tham gia hay giúp đỡ một hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bị cáo Trà cho biết, bản thân rất xót xa, hối tiếc khi để xảy ra những vi phạm. Vụ án này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh gây dựng trong hơn 20 năm qua. Bị cáo mong HĐXX mở lượng khoan hồng để có phán quyết thỏa đáng, nhân văn đối với bản thân bị cáo.

Theo cáo buộc, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương, cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (đang bỏ trốn), và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau đó, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HoSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS. Từ đây, bị cáo Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.

Ngoài cáo buộc nêu trên, bị cáo Trịnh Văn Quyết còn mượn của nhiều người đứng tên mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ các cổ phiếu đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Sau đó, bị cáo cùng các đồng phạm thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi 723 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT đã có công văn yêu cầu tạm dừng biến động đối với tài sản đứng tên Trịnh Văn Quyết trong đó có nhiều loại cổ phần, vốn góp như 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…

>> Tòa tuyên án: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh 21 năm tù

Một doanh nghiệp họ FLC có nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng

FLC tiếp tục bị cưỡng chế hơn 955 tỷ đồng tiền thuế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/toa-tuyen-phat-vu-flc-cuu-can-bo-le-hai-tra-tran-dac-sinh-244333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cựu cán bộ Lê Hải Trà lĩnh án 5 năm, ông Trần Đắc Sinh nhận 6 năm 6 tháng
POWERED BY ONECMS & INTECH