Đã phát hiện 6 tấn vàng nhập lậu vào Việt Nam
Thông tin này được Phó Thủ tướng đưa ra tại Chương trình Kỳ họp thứ 8 chiều ngày 11/11.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Media Quốc hội) |
Chiều 11/11, Quốc hội tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8. Sau phiên trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời, làm rõ một số nội dung mà đại biểu quan tâm.
Về quản lý hóa đơn vàng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế phát hành công văn, văn bản để hướng dẫn các cửa hàng vàng kê khai, nộp thuế. Do vậy, quản lý hóa đơn của các cửa hàng bán vàng không có vướng mắc.
Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua, 1 số đoàn quản lý thị trường đã tạm đình chỉ hoạt động của các cửa hàng vàng do không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu. Tuy nhiên, tinh thần chung là chỉ xử lý khi phát hiện là vàng lậu, còn không chứng minh được là vàng lậu thì cơ quan quản lý không có quyền xử lý.
Về xuất nhập khẩu vàng, hiện Chính phủ đang chuẩn bị sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng theo hướng hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng trang sức, mỹ nghệ.
Về quản lý thị trường vàng, thời gian qua, có tình trạng vàng trong nước tăng giá mạnh, một phần do lãi suất ngân hàng thấp, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh có khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro, dẫn tới người dân có thể chọn vàng là kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.
Theo Phó Thủ tướng, các giải pháp thời gian tới cơ quản lý hướng tới là: Một là mua - bán vàng đúng pháp luật, minh bạch. Hai là áp dụng công nghệ để quản lý hoạt động của các cửa hàng vàng. Ba là chống buôn lậu.
"Thời gian qua chúng ta đã phát hiện khoảng 6 tấn vàng được buôn lậu vào Việt Nam. Gần đây cũng phát hiện nhiều vụ việc buôn lậu nhỏ, với khối lượng từ 5-7kg vàng/vụ việc. Cơ quan quản lý xác định phải ngăn chặn dòng buôn lậu, để quản lý thị trường vàng tốt hơn trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy phát triển các thị trường vốn, từ đó tạo thêm các kênh đầu tư cho người dân.
Trả lời chất vấn trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vàng là vấn đề đau đầu của cả thế giới. Mục tiêu can thiệp của NHNN là để ổn định thị trường, đưa chênh lệch giá vàng giảm xuống, không khuyến khích đầu cơ, tích trữ vàng, chống vàng hóa.
Trả lời đại biểu về vấn đề, ai sẽ được lợi khi kéo giá vàng xuống, Thống đốc cho biết, khi giá vàng tăng, giảm mạnh, người dân mua vàng giá cao, bán cũng cao và ngược lại. Thực chất là người này được lợi thì người kia mất. Đối với doanh nghiệp, sẽ phải tính toán để không phải chịu rủi ro, vì họ cũng chỉ là đơn vị trung gian mua - bán. Nhiều doanh nghiệp mua xong để đấy, khi mua cao, bán thấp thì phải chịu rủi ro. Hiện quy định của NHNN là không được vay để mua vàng nên doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng.
>> Đại biểu Quốc hội: Giải pháp nào để bình ổn, quản lý thị trường vàng trong hiện tại và tương lai?
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phân tích lý do người dân có tâm lý 'vàng là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi'