Đại dịch Covid – 19 tác động như thế nào đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán

28-08-2021 00:21|Nguyễn Minh Trí

Bức tranh đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên Thị trường chứng khoán Việt Nam:

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trong suốt thời gian qua. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến năm 2020, khối lượng và giá trị giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đạt mức khoảng 80% trên tổng giá trị giao dịch, và con số này đạt 86% vào nửa cuối năm 2020. Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước mở mới gần 621.000 tài khoản chứng khoán chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả 2 năm 2020 và 2019. Thanh khoản thị trường liên tục lập kỷ lục với nhiều phiên lên đến 23.000 - 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), thậm chí có phiên lên đến gần 30.000 tỷ đồng, hơn thế nửa trong tuần thứ 3 của tháng 8/2021 vừa qua có những phiên giao dịch với tổng giá trị đạt con số tương đương 2 tỷ USD.

Sự tăng trưởng của TTCK năm 2020 và hơn bảy tháng đầu năm 2021 bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp như hiện nay, có thể giải thích bởi một số lý do là:

Một là, đại dịch Covid-19 bùng phát lên nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam khiến hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội ở nhiều Tỉnh Thành nước ta dừng lại. Qua đó, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân công, thu hẹp hoạt động kinh doanh, đầu tư và cũng như ngưng hết mọi hoạt động. Nếu nhìn ở góc độ tiêu cực thì dịch bệnh và các lệnh phong tỏa, giãn cách làm người dân cả nước phải ở nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, đó lại là thuận lợi vì họ có nhiều thời gian rảnh rỗi muốn tìm kiếm thêm thu nhập thì khó tìm được kênh đầu tư nào tiện lợi hơn chứng khoán, việc đó có thể thực hiện giao dịch đặt lệnh online và đây được gọi là hiệu ứng TINA (There Is No Alternative -không có lựa chọn nào khác).

Hai là, Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh các loại lãi suất hiện hành để hỗ trợ nền kinh tế, mặt bằng lãi suất giảm khiến các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn vì có mức sinh lời rất thấp. Do đó, cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Ngoài ra, TTCK thường được xem là tấm gương phản ánh nền kinh tế. Có một điều trái ngược là đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, trong khi kinh tế Mỹ và nhiều nước rơi vào suy thoái thì chứng khoán lại thăng hoa.

Ba là, hiệu ứng TINA xuất hiện ở Việt Nam năm 2020 khiến cho VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới, đạt hơn 1.200 điểm trong tháng 01/2021 và đạt mốc hơn 1.400 vào cuối tháng 06/2021. Nếu so với thời điểm năm 2007 có tình trạng nhà nhà, người người nói về chứng khoán, nhưng lượng vốn vào thị trường vẫn không quá đột biến so với giai đoạn trước đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết và quy mô TTCK khi ấy còn nhỏ so với nền kinh tế. Dòng tiền chảy vào chứng khoán khiến giá nhiều cổ phiếu lúc đó liên tục gia tăng và khi đó tạo ra cảm giác cho những người chậm đầu tư cảm thấy sốt ruột hơn, và hiệu ứng Fomo (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ) phát huy tác dụng lên từng cổ phiếu riêng lẻ và phát huy lên toàn bộ TTCK.

Bốn là, thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời gian ngắn thay vì là trung và dài hạn như trước do những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid -19, nền kinh tế nói chung cũng như TTCK thế giới và trong nước nói riêng đều có thể xuất hiện những biến động không thể lường trước được. Do đó, việc nhanh chóng mua vào và bán ra cổ phiếu để chốt lời trong ngắn hạn là việc làm tất yếu nhằm giảm thiểu rủi ro trước diễn biến thị trường là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư.

Một số khuyến nghị đối với nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn hiện nay:

Một là, thật cẩn trọng hơn với rủi ro mặc dù tại Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vừa qua có những biện pháp tầm soát toàn dân tích cực và việc đẩy mạnh tiêm chủng tốt. Tuy nhiên, điều này không cam kết sự an toàn với những diễn biến bất thường của các biến thể SAR-CoV-2 mới trong thời gian sắp tới. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng hơn nửa tại Việt Nam và trên thế giới, những tác động tiêu cực tới nền kinh tế là không tránh khỏi. Tâm lý đám đông, hiệu ứng TINA hay FOMO đôi khi khiến người ta quên mất việc phòng ngừa rủi ro vì đang say với chiến thắng. Do đó, thị trường đang lên là lúc thị trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất

Hai là, cần cập nhật các kiến thức về thị trường, thông tin của của các cổ phiếu trên TTCK, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân phần lớn nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường (F0) còn hạn chế về kiến thức tài chính cũng như việc thiếu kinh nghiệm để xử lý những tình huống. Do đó, rất dễ gặp rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, và khả năng xử lý cũng chưa phù hợp. Để nắm bắt được cơ hội đầu tư thì mỗi nhà đầu tư cá nhân cần trang bị kiến thức tài chính căn bản, hiểu về TTCK cũng như các thông tin đối với những thời điềm đầu tư phù hợp

Ba là, cẩn trọng với bong bóng chứng khoán, đặc điểm có thể nhận biết là chưa có dấu hiệu rõ ràng nhưng dòng tiền đổ vào chứng khoán lớn trong thời gian qua rất dễ tạo nên bong bóng cho chứng khoán.Việc quá nhiều NĐT tham gia trong thời gian ngắn với lượng tiền lớn dễ đẩy giá chứng khoán vượt quá giá trị thật. Tâm lý lướt sóng sẽ không bền mà nên kết hợp cả những mã cổ phiếu nắm giữ lâu dài

Bốn là, NĐT phải thận trọng với việc sử dụng tỷ lệ Margin cao. Đặc biệt, khi Margin đang ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ. Nếu NĐT sử dụng Margin cao sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh. Do đó, NĐT chỉ nên sử dụng Margin khi có dòng tiền ổn định.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-dich-covid-19-tac-dong-nhu-the-nao-den-nha-dau-tu-ca-nhan-tren-thi-truong-chung-khoan-120590.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đại dịch Covid – 19 tác động như thế nào đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH