'Đại gia' Bình Dương bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng
Một "đại gia" ở Bình Dương bị cơ quan thuế cưỡng chế hơn 144 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (Protrade, mã PRT) vừa công bố thông tin quyết định của Cục thuế tỉnh Bình Dương ngày 20/9 về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Theo đó, Protrade bị cưỡng chế hơn 144,1 tỷ đồng do nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.
Phía ngân hàng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản/phong toả tài khoản đối với số tiền trên để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Dương.
Trường hợp số tiền trên tài khoản của Protrade nhỏ hơn số tiền quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của người nộp thuế trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Theo báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lỗ 49,5 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước có lãi ròng hơn 230 tỷ đồng.
Protrade giải trình rằng do doanh thu hoạt động kinh doanh giảm 458,28 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí doanh nghiệp tăng 26,38 tỷ đồng do chi phí dự phòng khoản phải thu liên quan tạm nộp các nghĩa vụ bổ sung trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trên sàn công bố thông tin bị cơ quan thuế xử phạt hay truy thu. CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) cho biết, doanh nghiệp đã nhận được quyết định xử phạt và truy thu thuế với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) công bố nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế năm 2021-2022. Tổng số tiền PNJ bị xử phạt và truy thu lên tới hơn 13 tỷ đồng.
BCG Land, Công ty con của Bamboo Capital đã nợ thuế tiền thuế quá 90 ngày nên bị cưỡng chế thuế gần 32 tỷ và bị dừng làm thủ tục hải quan.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* CMG: CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 6% và cổ phiếu theo tỷ lệ 6%. Ngoài ra, CMG còn phát hành hơn 30,4 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 20,2%.
* VNL: Ngày 13/10, CTCP Logistics Vinalink chốt giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng là 16/10. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, thanh toán bắt đầu từ ngày 31/10.
* TNG: Ngày 9/10, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG chốt giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1/2023. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 4%, thanh toán bắt đầu từ ngày 20/10.
* DAE: CTCP Sách Giáo dục tại TP Đà Nẵng vừa thông qua kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023. Doanh thu thuần đạt 52 tỷ đồng và lãi trước thuế 4,1 tỷ đồng.
* NET: CTCP Bột giặt NET thông báo sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 35%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/10.
Thông tin giao dịch
* SC5: Ông Nguyễn Đình Dũng, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng số 5 đăng ký mua 444.000 cổ phiếu từ ngày 2/10-31/10 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* PSH: Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu vừa bán 4,110 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 66,65% về 63,39% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện từ ngày 15/9-20/9.
* HPX: Ngày 14/9, ông Hoàng Văn Toàn vừa mua 49,618 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Hải Phát. Sau giao dịch, ông Toàn nắm giữ hơn 50,321 triệu cổ phiếu, chiếm 16,54% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn nhất.
* SGN: America LLC đã mua hơn 1,12 triệu cổ phiếu CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn trong phiên 21/9. Sau giao dịch, tổ chức này nắm giữ 3,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,7%.
* APG: CTCP Chứng khoán APG mua thêm 197.200 cổ phiếu của CTCP Dược Lâm Đồng ngày 21/9. Tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch là 11,02%
VN-Index
Chốt phiên 25/9, VN-Index giảm 39,85 điểm (-3,34%), xuống 1.153,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,08 tỷ đơn vị, giá trị 23.380,59 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 11,64 điểm (-4,79%), xuống 231,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 130,42 triệu đơn vị, giá trị 2.369,31 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 2,06 điểm (-2,2%), xuống 88,69 điểm khi có tới 235 mã giảm (12 mã giảm sàn) và 86 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,53 triệu đơn vị, giá trị 1.039 tỷ đồng.
Nhận định thị trường, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng lực cầu suy yếu trong khi áp lực bán gia tăng mạnh khiến cho VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ xa quanh 1.17x điểm, hiện đã đảo vai trò là ngưỡng cản gần.
Mặc dù rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần chiếm ưu thế, ngưỡng hỗ trợ quanh 1.14x điểm sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của VN-Index.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tạm thời quan sát thêm diễn biến thị trường và dừng giải ngân mới để chờ đợi mức biến động của thị trường giảm xuống.
Đồng thời, có thể cân nhắc thu gọn lại danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20%. Ưu tiên nắm giữ là các mã chưa bứt phá mạnh từ nền giá gần nhất hoặc điều chỉnh giảm thấp hơn chỉ số chung.
Tỉnh giàu nhất Việt Nam ‘rục rịch’ làm tổ hợp giáo dục hơn 500 tỷ đồng
Nhà máy Lego 1,3 tỷ USD tại 'thủ phủ' công nghiệp miền Nam sắp đi vào vận hành