'Đại gia' dệt may từng sa thải 4.000 nhân sự, nay rao bán tài sản không ai mua
Từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hiện công ty này đang cố gắng bán bớt tài sản để thu hồi vốn.
Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp mới đây đã có thông báo gửi Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (công ty con của Garmex Sài Gòn - GMC) về việc đấu giá lô đất không thành. Cụ thể, hết hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá (17h00 ngày 27/5) không có khách hàng đăng ký tham gia, theo .
Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp sẽ tiếp tục thông báo đấu giá lại tài sản trên với giá khởi điểm giữ nguyên so với lần đầu (156 tỷ đồng). Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá chậm nhất đến 17h00, ngày 18/6 tới.
Nhà máy của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam. Ảnh: Garmex Sài Gòn
Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất (đất thuê trả tiền 1 lần) và công trình xây dựng tại thửa đất của Garmex ở cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Lô đất này rộng 26.000m2, có thời hạn sử dụng đất đến tháng 5/2063. Thuế giá trị gia tăng và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng khi thực hiện mua lô đất sẽ do người trúng đấu giá chi trả.
Lô đất này được kỳ vọng là "cứu cánh" cho kết quả kinh doanh năm 2024 của Garmex khi doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 50,5 tỷ đồng. Và với số tiền bán lô đất 156 tỷ đồng sẽ giúp công ty có lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng.
Việc liên tiếp rao bán tài sản diễn ra trong bối cảnh công ty may từng có tiếng ở TP. HCM này gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2023, Garmex Sài Gòn cũng đã phải cắt giảm 1.947 lao động. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, GMC cắt 1.828 nhân sự. Tổng cộng trong 2 năm, khoảng 3.775 nhân viên Garmex Sài Gòn bị mất việc.
>> Tỉnh miền Bắc ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển tìm chủ cho khu đô thị hơn 9.600 tỷ đồng
Theo nội dung tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27/6 tới của Garmex Sài Gòn thì trong năm tài chính 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của Garmex Sài Gòn gặp khó khăn, thiếu đơn hàng để hoạt động, đơn hàng nhỏ, năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Garmex Sài Gòn không có đơn hàng, buộc phải cắt giảm nhân sự, bán tài sản. Ảnh: Garmex Sài Gòn
Trong kế hoạch kinh doanh sắp tới, Garmex muốn đẩy nhanh dự án Khu Nhà ở Phú Mỹ để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư và triển khai kinh doanh nhà thuốc. Tổng số vốn Công ty này đã góp tại Công ty Cổ phần Phú Mỹ tính đến thời điểm này là gần 24 tỷ đồng.
Garmex Sài Gòn tiền thân là Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại may Sài Gòn, được thành lập vào năm 1976 với khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, GMC được cổ phần hóa và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM với mã chứng khoán GMC từ năm 2006. Năm 2019, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn.
Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở TP. HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP. HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10ha, 70 dây chuyền sản xuất.
>> Quyết định chấm dứt hoạt động dự án khu biệt thự cao cấp 1.800 tỷ tại Nha Trang
2 doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ việc chiếm được thị phần Trung Quốc ở Mỹ
Dệt may Damsan (ADS) sắp vận hành thêm 3 cụm công nghiệp 140ha tại Thái Bình