Ông lớn dệt may 50 tuổi đặt mục tiêu thua lỗ giữa 'cơn bão thuế quan', tính cắt giảm nhân sự, bán tài sản và mở quán ăn
Sau khi mất hợp đồng gia công với đối tác lớn nhất là Gilimex, Garmex Sài Gòn tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng. Công ty đặt kế hoạch lỗ thêm 42,5 tỷ đồng năm 2025, đồng thời rẽ hướng sang lĩnh vực nhà hàng, giải trí, thể thao.
CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) khép lại năm 2024 với doanh thu thuần 2,1 tỷ đồng và lỗ sau thuế 29,9 tỷ đồng. Kết quả này không mấy cải thiện so với năm 2023, khi công ty chỉ ghi nhận doanh thu 8,3 tỷ đồng và lỗ sau thuế 51,9 tỷ đồng.
Garmex Sài Gòn lý giải, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng. Công ty đã tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, song vẫn phát sinh chi phí tiền lương cho nhân sự kho, nhân viên nghiệp vụ gián tiếp và các chi phí khác, dẫn đến tiếp tục thua lỗ.
Nhằm giảm thiệt hại, công ty đã cắt giảm lao động. Tính đến ngày 31/12/2024, số lượng nhân sự chỉ còn 31 người. Trước năm 2020, Garmex Sài Gòn từng duy trì doanh thu trên 1.500 tỷ đồng với quy mô hơn 4.000 lao động.
![]() |
Đối tác Mỹ hủy hợp đồng, Garmex Sài Gòn tồn 160.660 túi vải đã gia công chưa được thanh toán |
Sau khi "gã khổng lồ" Amazon (Mỹ) chấm dứt hợp đồng với CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) - đối tác lớn nhất của Garmex Sài Gòn, công ty bị tồn đọng 160.660 sản phẩm túi vải đã gia công, với số tiền chưa thanh toán lên đến 121,9 tỷ đồng. Hiện tại, 2 doanh nghiệp Việt Nam này vẫn đang phối hợp để khởi kiện Amazon.
Kế hoạch thua lỗ cho năm 2025
Theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, Garmex Sài Gòn xác định ngành may vẫn là ngành nghề chính. Tuy nhiên, tình hình ngành may của công ty vẫn còn khó khăn về đơn hàng, trong khi các điều kiện về xanh hóa ngành may vẫn chưa kịp chuyển đổi.
Công ty lên kế hoạch tiếp tục tiết giảm chi phí, đẩy nhanh các thủ tục để chuyển nhượng, bán các tài sản không sử dụng, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh nhà thuốc tại địa chỉ 213 Hồng Bàng, TP. HCM.
Đáng chú ý, Garmex Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 chỉ đạt 1,7 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế 42,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty dự định bổ sung các ngành nghề kinh doanh mới gồm: nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch - giải trí và bán thiết bị thể thao.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Mới đây, Garmex Sài Gòn quyết định hợp tác với CTCP VinaPrint do ông Bùi Minh Tuấn (Thành viên HĐQT) làm đại diện để đầu tư sân chơi pickleball. Công ty sẽ góp một phần diện tích đất (1.000 - 3.000m²) để xây dựng sân, trong khi VinaPrint cam kết thanh toán lợi nhuận cố định trong 5 ngày đầu mỗi tháng, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, theo tiến độ hợp đồng.
Garmex Sài Gòn là một trong những doanh nghiệp tiên phong của ngành dệt may, được thành lập vào năm 1976, chỉ 1 năm sau ngày đất nước thống nhất với tên gọi ban đầu là Liên hiệp Dệt may TP. HCM.
Sự tụt dốc của công ty bắt nguồn từ việc phụ thuộc vào một đối tác lớn là Gilimex trong hoạt động gia công đơn hàng. Trong giai đoạn Covid-19, Gilimex mất hợp đồng với Amazon Robotics LLC, khiến cả 2 doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có đơn hàng.
Hiện tại, Gilimex đã chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Cổ phiếu GMC cũng đã bị HoSE hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM do công ty ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh từ một năm trở lên.
Về thị trường chung, ngành dệt may vừa đón “tin dữ” khi Mỹ công bố áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành trong nhiều năm qua. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2024, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 40%.
>> Đối tác bỏ trốn, công ty dệt may 50 tuổi mới sa thải hàng nghìn lao động thua lỗ đậm sau kiểm toán
'Thứ Ba đen tối' của chứng khoán Việt Nam: VN-Index rơi 77,88 điểm, 437 cổ phiếu giảm sàn
Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nói về tác động của thuế Mỹ: 'Ngại khó không phải là DNA của người Masan'