Sẵn sàng chi hẳn 150 tỷ để xây dựng căn lâu đài xa hoa nhưng người đàn ông này vẫn đang sống trong căn nhà lá mộc mạc với những thói quen cực giản dị.
Xây dinh thự dát vàng 24k cho giúp việc ở
Người dân ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ không ai không biết đến dinh thự Lang Truyền. Dinh thự màu trắng nguy nga, tráng lệ của vợ chồng đại gia Nguyễn Ngọc Lang và vợ là Lê Thị Truyền (cùng sinh năm 1968) nổi bật giữa làng quê miền Tây.
Trên mảnh đất rộng 3000m2, ông Lang cho xây dựng dinh thự trên diện tích 500m2, còn lại là khuôn viên. Dinh thự của đại gia miền Tây gồm: Một trệt, một lầu, một lửng, một tum, có 6 phòng ngủ, tổng chiều cao là 28m. Dinh thự của ông Lang không theo một trường phái cụ thể nào mà kết hợp nhiều kiểu, theo sở thích của gia chủ.
Điểm gây ấn tượng nhất trong dinh thự của ông Lang chính là chiếc cầu thang thiết kế độc đáo. Ông Lang cho biết, trước đây hai vợ chồng xem bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” và rất ấn tượng với một chiếc cầu thang xuất hiện trong phim. Chính vì vậy, ông đã nhờ kiến trúc sư thiết kế chiếc cầu thang lấy cảm hứng từ bộ phim.
Để chắc chắn có được chiếc cầu thang như ý, ông Lang còn chi vài chục triệu xây dựng một chiếc cầu thang “nháp” để xem có được đúng như mình mong muốn hay không? Sau khi thấy ổn, ông Lang đập bỏ cầu thang “nháp” và đầu tư tiền khủng để xây dựng chiếc cầu thang hiện tại.
Cầu thang trong dinh thự cũng như toàn bộ đồ gỗ trong nhà đều là gỗ Lào đỏ, được nhập từ Lào. Đây là loại gỗ quý hiếm, độ bền cao. Riêng ban thờ, ông dùng gỗ hương. Toàn bộ đồ gỗ trong nhà đều được dát vàng, với thành phần 98% vàng 24K, 1% bạc, 1% đồng, không bao giờ phai màu. Chính ông Lang cũng không rõ đã sử dụng bao nhiêu kg vàng để trang trí cho dinh thự của mình.
Dân tình đồn đoán, dinh thự của ông Lang có giá trị khoảng 150 tỷ đồng. Trước câu hỏi về độ chính xác của tin đồn nói trên, ông Lang cười: “Bây giờ thì con số đó nó cũng tương đương. Còn tôi bỏ tiền ra đầu tư cái nhà để ở mà tiết lộ chi phí thì tôi hơi ngại. Tôi để bà con tự nhận định. Còn nói chung là tôi tâm huyết lắm mới làm được như này”.
Mặc dù cơ ngơi vô cùng hoành tráng nhưng hiện tại gia đình ông Lang không thường xuyên sinh sống trong căn nhà này. Nhiều người đùa vui rằng vị đại gia này xây biệt thự chỉ để cho giúp việc ở.
Chỉ thích ở nhà tranh vách lá
Ông Lang cho biết, vợ chồng ông và các con chủ yếu sinh sống và làm việc tại TP HCM. Gia đình hiện đang làm chủ một nhà máy sản xuất mỹ phẩm. Do bận rộn công việc nên khoảng 2-3 tuần, gia đình ông mới về Cần Thơ một lần. Khi quyết định xây dựng dinh thự, ông cũng phải đấu tranh nhiều với vợ và các con vì gia đình sợ lãng phí. Hiện tại mỗi tháng, riêng tiền điện của dinh thự cũng hết 5-60 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông muốn xây dựng cơ ngơi ở trên chính mảnh đất quê hương, nơi ông đã sinh ra, lớn lên để mọi người nhìn thấy sự nỗ lực đi lên của ông bằng mồ hôi, nước mắt. “Tôi hy vọng điều đó sẽ tạo động lực cho bà con phấn đấu vươn lên, và cũng để làng xóm, anh chị em tự hào về mình”, ông Lang nói.
Bản thân ông chỉ thích ngắm dinh thự chứ không thích ở. Trong khuôn viên, ông Lang dành một góc để tái hiện lại ngôi nhà tranh vách lá năm xưa ông từng sinh sống. Trong nhà có chiếc máy may của vợ ông, có bộ bàn ghế, chiếc giường đơn sơ, chiếc xe đạp ông từng dùng chở vợ đi hẹn hò, chiếc xe máy đã cùng ông rong ruổi khắp nơi mưu sinh và có cả những món đồ năm xưa cha mẹ cho. Tất cả đều chứa đựng nhiều kỷ niệm.
"Tôi ở đó nhiều hơn ở trong dinh thự. Tôi hay ra cho cá ăn, nằm võng ngắm cá, ngủ ở đó suốt. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, tôi thích ra đó nằm nghỉ ngơi, cảm thấy đầu óc thoải mái, yên bình, không ồn ào. Ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ nên tôi rất thích", đại gia miền Tây nói lý do thích ở ngôi nhà tranh vách lá.
Sở hữu khối tài sản khủng nhưng ông Lang có vẻ bề ngoài rất giản dị, cách nói chuyện khiêm nhường. Ông rất tích cực tham gia vào hoạt động thiện nguyện. Hàng năm, vào mỗi dịp lễ Tết, vợ chồng ông Lang thường trao 5-600 phần quà cho bà con.
Ông hỗ trợ địa phương xây dựng cầu đường, tặng xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học,... Cách đây 2 năm, ông làm mô hình sinh thái, trồng nhiều hoa, cho bà con vào tham quan miễn phí, tổ chức nhiều trò chơi như: Đua ghe, bắt vịt,... trao thưởng cho bà con. Những người dân ở địa phương nhắc nhiều về ông Lang với sự ngưỡng mộ xen lẫn tự hào.