Đại tá, phi công anh hùng ném bom Dinh Độc Lập tròn 50 năm về trước: Dày dạn kinh nghiệm nhất Việt Nam với hơn 22.000 giờ bay, từng là Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines
Ông cũng là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và là giáo viên, phi công lái máy bay Boeing 777-200 của Vietnam Airlines.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá - phi công Nguyễn Thành Trung, tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9/10/1947 tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong một gia đình có 5 anh em. Cha ông là Đinh Văn Dậu (tức Tư Dậu), từng là Bí thư Huyện ủy Châu Thành, hoạt động cách mạng cùng thời với bà Nguyễn Thị Định.
Năm 1963, ông Tư Dậu hy sinh trong một trận biệt kích của địch. Khi đang ngồi trong lớp học, Đinh Khắc Chung nhận tin cha mất. Ông lặng người, ánh mắt dõi vô định lên bảng đen, lời giảng của cô giáo trở nên mơ hồ, xa xôi. Từ lúc ấy đến cuối buổi học, ông bất động, gần như không chớp mắt.
Ngay sau đó, ông cùng người anh vội vã trở về làng mong được nhìn thấy cha lần cuối nhưng mọi ngả đường đã bị phong tỏa. Hai anh em đành lên phà, lặng lẽ đi đi lại lại giữa hai bờ cho đến khuya. Đó là khoảnh khắc ám ảnh nhất trong cuộc đời ông…

Năm 1965, Nguyễn Thành Trung tốt nghiệp Tú tài đôi và thi đậu vào khoa Toán - Lý - Hóa của Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM). Năm 1968, khi hoàn thành 3 chứng chỉ cử nhân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra, khiến việc học dang dở.
Trong bối cảnh chiến sự ác liệt, nhiều cơ sở cách mạng ở khu 8 bị bại lộ, cấp trên chỉ đạo Nguyễn Thành Trung thi tuyển vào Không lực Việt Nam Cộng hòa. Việc thâm nhập hàng ngũ địch là một cuộc đấu trí đầy cam go, đòi hỏi sự chủ động và thông minh.
Ông vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao: thể lực, tiếng Anh, trình độ văn hóa… Ngày 1/6/1969, ông nhận giấy gọi nhập ngũ. Một ngày trước đó, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam theo chỉ thị của Ban Binh vận khu 8. Buổi lễ kết nạp được tổ chức đơn giản, bí mật.
Sau hơn một năm huấn luyện tại Nha Trang, Nguyễn Thành Trung được cử sang Mỹ đào tạo phi công tại các căn cứ ở Texas, Louisiana và Mississippi. Ông học xuất sắc, đứng thứ 2 trong tổng số 40 học viên khóa đó. Trong thời gian học tập, ông vẫn duy trì liên lạc với tổ chức Đảng bằng những lá thư tay ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin.
Ngày 8/4/1975, tổ chức quyết định giao cho Nguyễn Thành Trung thực hiện nhiệm vụ ném bom Dinh Độc Lập. Nhiệm vụ diễn ra trong bối cảnh hoạt động bí mật của ông có nguy cơ bị bại lộ.

Lúc 18h25, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung ném bom xuống Dinh Độc Lập từ máy bay F5-E mang theo 4 quả bom, mỗi quả nặng 500 pound (gần 227 kg). Hai quả đầu phát nổ ngoài sân, hai quả sau - một nổ trong dinh, một không kích nổ. Sau đó, ông quay về bắn 300 viên đạn 120 ly vào kho xăng Nhà Bè.
Hoàn thành nhiệm vụ, ông còn một thử thách lớn: hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến Phước Long. Máy bay F5-E yêu cầu đường băng tối thiểu 3.000m, trong khi sân bay Phước Long chỉ dài 1.000m, gồ ghề, máy bay có nguy cơ sụp càng, nổ lốp.

Ông Nguyễn Thành Trung không bao giờ quên cảm giác hạnh phúc khi hạ cánh an toàn tại Phước Long. Khi đó, ông 28 tuổi, mang quân hàm Trung úy của Không lực Việt Nam Cộng hòa. Trở về với cách mạng, ông được phong quân hàm Đại úy Quân Giải phóng.
Ngày 28/4/1975, ông chỉ huy Phi đội Quyết Thắng với 5 chiếc A37 xuất phát từ sân bay Thành Sơn ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Sự kiện khiến Đại sứ Mỹ Martin hoảng loạn rời khỏi Việt Nam, hơn 3.000 lính Mỹ còn lại cũng phải vội vàng di tản, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hơn 20 năm.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Nguyễn Thành Trung tiếp tục hoạt động trong ngành hàng không. Ngày 20/1/1994, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông từng là Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, là cơ trưởng lái máy bay Boeing 767 đầu tiên của Việt Nam và là giáo viên hướng dẫn lái Boeing 777-200. Với hơn 35 năm kinh nghiệm và hơn 22.000 giờ bay, ông là phi công dày dạn kinh nghiệm nhất Việt Nam.

Ngày 1/10/2008, ông tham gia tổ phi công lái máy bay Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 cho doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - người được xem là doanh nhân Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng.