Bất động sản

Chỉ 5 ngày nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ được ví như 'thành phố hàng không' của Việt Nam sẽ chính thức vận hành

Hải Đăng 12/04/2025 15:00

Với tốc độ thi công "thần tốc", nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ sẽ chính thức có chuyến bay "mở hàng" vào ngày 17/4 tới đây.

Chỉ 5 ngày nữa sẽ đón chuyến bay đầu tiên

Mới đây, đoàn lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có buổi thị sát tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất nhằm chuẩn bị cho kế hoạch chuyển đổi hoạt động khai thác giữa các nhà ga.

Tại công trường, đoàn đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các khu vực trọng điểm tại nhà ga T3 bao gồm quầy check-in, khu vực an ninh, phòng chờ hạng C, khu nối chuyến, khu đến LF, phòng nghỉ tổ bay và tiếp viên, cùng khu vực đại diện ASOC. Mục tiêu là đảm bảo mọi khâu vận hành được đồng bộ, sẵn sàng phục vụ hành khách khi nhà ga chính thức hoạt động.

>> Việt Nam sắp có thêm khu công nghệ cao hơn 660ha, tọa lạc tại tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước

Chỉ 5 ngày nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ được ví như 'thành phố hàng không' của Việt Nam sẽ chính thức vận hành- Ảnh 1.
Vị trí nhà ga sân bay T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng theo tiết lộ từ phía Vietnam Airlines, dự kiến 17/4 tới đây, các chuyến bay giữa TP. HCM và Vân Đồn của hãng sẽ được chuyển sang nhà ga T3.

Cuối tháng 4/2025, tất cả các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển sang nhà ga T3 ngoại trừ các chuyến bay giữa TP. HCM - Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá sẽ vẫn hoạt động tại nhà ga T1.

Kế hoạch khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được đẩy tiến độ sớm hơn so với dự kiến trước đó nhằm đảm bảo cho người dân TP. HCM cũng như các hành khách trên cả nước yên tâm được sử dụng và trải nghiệm nhà ga mới vào đúng dịp cao điểm dịp lễ 30/4-1/5, hạn chế tình trạng ùn tắc tại sân bay như trước đó.

Chỉ 5 ngày nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ được ví như 'thành phố hàng không' của Việt Nam sẽ chính thức vận hành- Ảnh 2.
Nhà ga hiện đang dần hoàn thiện để đưa vào khai thác. Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo thiết kế, cổng vào nhà ga T3 nằm trên đường 18E và C2, phường 12, quận Tân Bình. Tại nhà ga T3, các quầy làm thủ tục của Vietnam Airlines được bố trí tại tầng 3 (cánh phía đông), trong khi phòng khách Bông Sen nằm tại tầng 4.

Ngoài ra, hệ thống các bảng điện tử và biển chỉ dẫn sẽ hỗ trợ hành khách di chuyển nhanh chóng và thuận tiện.

Theo chia sẻ từ đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà ga T3 hiện đại cùng đường dẫn, cầu vượt đồng bộ sẽ phục vụ gần 80% số chuyến bay nội địa đến - đi từ sân bay này vào dịp cao điểm 30/4-1/5.

Nhà ga gần 11.000 tỷ có gì đặc biệt?

Hạng mục nhà ga hành khách theo đề án được duyệt sẽ có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2.

Nhà ga T3 sẽ bố trí 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy thả hành lý tự động và 42 ki ốt check-in, 27 cửa ra máy bay trong đó có 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe buýt; nhà ga sẽ có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến với 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách, trong đó có 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu vực riêng biệt phục vụ khách VIP, thương gia và khách ưu tiên.

Chỉ 5 ngày nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ được ví như 'thành phố hàng không' của Việt Nam sẽ chính thức vận hành- Ảnh 3.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang hoàn thiện những hạng mục cuối để đưa vào khai thác. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Bên cạnh hệ thống hạ tầng hiện đại, nhà ga T3 còn được thiết kế như một tổ hợp vận hành thông minh, nơi không gian và công nghệ được tổ chức tối ưu nhằm phục vụ dòng hành khách khổng lồ mỗi ngày.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong tổng thể công trình chính là khu nhà xe quy mô lớn, gồm hai tầng hầm và bốn tầng nổi, đi kèm là khối nhà để xe máy ba tầng - tất cả được liên kết linh hoạt qua hệ thống hành lang cầu khép kín.

Tổng diện tích sàn sử dụng lên tới 130.000m2, đủ sức đáp ứng nhu cầu đỗ xe cho hàng chục nghìn lượt phương tiện ra vào mỗi ngày. Khi nhà ga mới chính thức đi vào hoạt động, dòng hành khách sẽ được điều tiết rõ rệt giữa ga mới và ga T1 hiện hữu.

Nhờ đó, tài xế cũng có thể tiếp cận và đón khách dễ dàng, hạn chế tình trạng ùn ứ tại cửa ga, đồng thời mở ra cơ hội tái tổ chức luồng giao thông, phương án vận hành tại T1 một cách khoa học và hợp lý hơn.

Chỉ 5 ngày nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ được ví như 'thành phố hàng không' của Việt Nam sẽ chính thức vận hành- Ảnh 4.
Nhà ga này có tổng vốn đầu tư gần 11. 000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, điểm đặc biệt khiến T3 vượt ra khỏi giới hạn của một nhà ga truyền thống, chính là việc tích hợp công nghệ sinh trắc học hiện đại – lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là yếu tố giúp hành khách rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục, đồng thời nâng tầm trải nghiệm bay.

Hệ thống này cho phép xác thực danh tính hành khách qua các đặc điểm sinh học như khuôn mặt, vân tay, mống mắt, thay cho giấy tờ truyền thống. Toàn bộ quy trình từ check-in, kiểm tra an ninh cho đến lên máy bay sẽ được tự động hóa cao độ, giảm thiểu tiếp xúc và thao tác thủ công.

Tại nhà ga, sẽ có tới 42 ki-ốt check-in tự động và 20 quầy bag-drop để hành khách tự làm thủ tục, thả hành lý mà không cần tiếp xúc với nhân viên mặt đất.

Ngay trong giai đoạn khai trương thử nghiệm, hành khách đã có thể trải nghiệm một quy trình hoàn toàn khác biệt – nơi công nghệ trở thành "trợ lý cá nhân", dẫn dắt hành khách từ cửa vào đến tận cổng ra máy bay một cách nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết, theo Trưởng ban dự án Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ tích hợp đa dạng các công nghệ, tiện ích ở nhà ga mới này. Điều này nâng tầm trải nghiệm mới mẻ đến khách hàng và hướng nhà ga này là "thành phố hàng không".

"Ý tưởng này ở nước ngoài phổ biến nhưng Việt Nam mới hình thành. Chúng tôi sẽ mang dịch vụ "thành phố hàng không" triển khai ở Nhà ga T3, tăng tiếp xúc giữa người đi và người đưa tiễn" - ông Lê Khắc Hồng - trưởng ban dự án Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP. HCM đang là sân bay lớn nhất cả nước. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1.500 ha) và công suất hàng hóa và số lượng hành khách phục vụ mỗi năm. Tuy nhiên, sau khi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai, đang xây dựng) hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là sân bay lớn nhất cả nước với quy mô 5.000ha.

>> Siêu sân bay lớn nhất Việt Nam đạt dấu mốc quan trọng

1 tuần nữa, cây cầu thứ 7 của nhánh sông Mê Kông sẽ hợp long, rút ngắn kết nối 2 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch vùng cảng biển TPHCM, vốn đầu tư hơn 77.400 tỷ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/chi-5-ngay-nua-nha-ga-gan-11000-ty-duoc-vi-nhu-thanh-pho-hang-khong-cua-viet-nam-se-chinh-thuc-van-hanh-202250412103337786.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ 5 ngày nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ được ví như 'thành phố hàng không' của Việt Nam sẽ chính thức vận hành
    POWERED BY ONECMS & INTECH