Chuyển đổi số, trong đó ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao: hiện đại, hiệu quả và bền vững, hiện là một xu thế tất yếu.
Nông nghiệp hiện là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và còn nhiều tiềm năng phát triển. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng nền nông nghiệp nước nhà vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có cả những khó khăn về mặt quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và thông tin còn tồn tại những hạn chế nhất định, chưa phát triển đồng đều. Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, biến đổi khí hậu, nhiễm độc môi trường, giá cả nguyên liệu tăng cao, hay sự cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Trước thực trạng đó, chuyển đổi số được tính đến như một giải pháp ưu tiên, nhưng cũng là một xu thế tất yếu, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chính phủ đã xác định: Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: “Năm 2023 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp”.
Trong tiến trình chuyển đổi số, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những công nghệ cốt lõi cần được chú trọng hơn cả, chính là trí tuệ nhân tạo. Tại Việt Nam, dù ứng dụng AI trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ, nhưng cần phải nhìn nhận rằng đây là một động lực quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
“Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ đột phá cần được ứng dụng rộng rãi cho toàn ngành nông nghiệp. AI không chỉ giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn đem lại lợi ích kinh tế và cách tiếp cận thông minh hơn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp cho người nông dân”, TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam chia sẻ.
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam, AI hiện đang được ứng dụng trong một số hoạt động chính như: phân tích dữ liệu đất, theo dõi và dự báo thời tiết, sử dụng robot nông nghiệp, điều khiển tự động, ước tính sản lượng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, xử lý ảnh kỹ thuật số và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh:“Ứng dụng AI đã góp phần cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Với những ưu thế vượt trội so với nông nghiệp truyền thống trong quá trình ứng dụng thực tiễn, AI đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra một số những nút thắt cần tháo gỡ: “Trong bối cảnh thị trường đang nhiễu loạn như giai đoạn hiện nay, trí tuệ nhân tạo là một công nghệ mới nên lựa chọn như thế nào để đảm bảo chất lượng? Đầu tư cho công nghệ mới bao giờ chi phí ban đầu cũng rất lớn, thậm chí rất rủi ro. Ai hỗ trợ, ai bảo hộ, ai là người làm, ai dẫn dắt cho nông dân tiếp cận với công nghệ trí tuệ nhân tạo? Đó là những câu hỏi lớn đang được đặt ra trong quá trình ứng dụng AI ở lĩnh vực nông nghiệp”.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI ở mức tương đối cao, đặc biệt là sau khi các công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ thời gian vừa qua. Thế nhưng, nhìn ở một góc độ khác, xét về giá trị lâu dài, chính những hệ thống này sẽ giúp cho nông dân và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí trong việc duy trì hoạt động sản xuất.
“Trong giai đoạn hiện nay, một mạng lưới kết nối các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông, nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp, là rất cần thiết. Qua đó, hoạt động phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, quy trình sản xuất, chất lượng và xuất xứ minh bạch của sản phẩm”, ông Hồ Xuân Hùng nói thêm.
“Khi nhắc đến chuyển đổi số, nhiều người thường nghĩ đến công nghệ thông tin, nhưng như thế là chưa đầy đủ”, TS Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) chỉ rõ. “Chuyển đổi số quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi con người, chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ. Chuyển đổi số hay công nghệ sau cùng chỉ là giải pháp, trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không phải ngoại lệ”.
Trong công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp, với những công nghệ mới như AI, người nông dân phải luôn được xác định là “căn cốt” của mọi chủ thể nông nghiệp. “Người nông dân chính là những người đầu tiên và là người cuối cùng, xứng đáng được thụ hưởng sản phẩm mà mình làm ra. Do vậy, tất cả mọi con đường đều cần hướng tới giá trị đó”, TS Toản nhấn mạnh.
Có thể thấy, người nông dân chính là những đối tượng cần được quan tâm nhất, cần được hướng dẫn, đào tạo để nắm bắt, sử dụng và hiểu rõ những công nghệ này. Thế nhưng, để hỗ trợ cho nông dân sử dụng những công nghệ mới một cách thực sự hiệu quả, các chương trình đào tạo, huấn luyện cần có sự đầu tư phù hợp, đúng mức. Bên cạnh đó, chính phủ, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần tăng cường hỗ trợ cả về công nghệ lẫn tài chính, để đảm bảo rằng người nông dân có thể tiếp cận được với các hệ thống AI mới.
“Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững, công tác đầu tư và nghiên cứu cần phải được triển khai ở một quy mô tương ứng. Cùng với đó, việc cung cấp thông tin hữu ích về những công nghệ mới một cách nhanh chóng, kịp thời đến người nông dân cũng cần phải được chú trọng hơn”, TS Trần Quý cho biết. “Các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất công nghệ và các tổ chức nông nghiệp, cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu của thị trường”.
Vì sao ngân hàng thừa tiền nhưng nông dân vẫn khó vay?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Áp thuế GTGT phân bón 5%, nông dân được hưởng lợi!