Xã hội

Dân tộc duy nhất Việt Nam có phong tục con trai tròn 12 tuổi sẽ xuống tóc đi tu, người đã xuất gia mới dễ lấy vợ, lý do thực sự đằng sau gây xúc động

Thùy Dung 12/11/2024 17:30

Với người dân của dân tộc này, đây không chỉ là truyền thống mà còn là một phần trong việc hình thành nhân cách và đạo đức cho các thế hệ trẻ.

Từ bao đời nay, đồng bào Khmer luôn tin rằng việc góp công xây dựng chùa là cách đảm bảo hạnh phúc hiện tại và tích phúc cho kiếp sau. Do đó, họ sẵn lòng đóng góp công sức, vật liệu quý để xây dựng chùa chiền, biến ngôi chùa trở thành trung tâm của mỗi phum, sóc, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng.

Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là biểu tượng văn hóa, rèn luyện đạo đức, giáo dục thanh niên. Tại đây, các lễ hội truyền thống được tổ chức, củng cố niềm tin vào đạo Phật và thắt chặt đoàn kết cộng đồng Khmer.

Theo tài liệu văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, dân tộc Khmer có phong tục đặc biệt là các bé trai khi đến tuổi 12-13 đều vào chùa để tu học. Thời gian tu có thể dài hay ngắn tùy vào nhân duyên và ý nguyện của từng người. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là một phần trong việc hình thành nhân cách và đạo đức cho các thế hệ trẻ, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer.

Dân tộc duy nhất Việt Nam có phong tục con trai tròn 12 tuổi sẽ xuống tóc đi tu, người đã xuất gia mới dễ lấy vợ, lý do thực sự đằng sau gây xúc động - ảnh 1
Dân tộc Khmer có phong tục đặc biệt là các bé trai khi đến tuổi 12-13 đều vào chùa để tu học. Ảnh: Dân Trí

Khi quyết định cho con nhập tu, trước hết cha mẹ cần gặp Sư Cả tại ngôi chùa ở phum, sóc nơi gia đình sinh sống để bàn bạc và thống nhất ngày tổ chức lễ nhập tu. Thông thường, lễ nhập tu được tổ chức chung cho nhiều người nhằm giảm bớt chi phí và không cần tổ chức nhiều lần. Việc con trai vào chùa tu được xem như cách báo hiếu, đền đáp công ơn cha mẹ, vì vậy phải có sự đồng ý của cha mẹ thì chùa mới nhận và tiến hành lễ nhập tu.

Sau khi thống nhất ngày nhập tu, gia đình sẽ chuẩn bị áo cà sa, bình bát và một số vật dụng cần thiết cho người con. Một ngày trước lễ chính thức, các sư sẽ làm lễ thế phát (cạo đầu) cho người con trai, thay thế trang phục thường ngày bằng chiếc xà rông và tấm khăn vải trắng khoác từ vai trái sang phải, gọi là Pênexo. Khi khoác tấm vải trắng này, anh ta chính thức từ bỏ thế tục. Trong thời gian này, gia đình người con đi tu cũng mời chư tăng về nhà để tụng kinh, cúng dường và làm lễ quy y.

Ngày hôm sau, người con trai sắp nhập tu sẽ bưng mâm áo cà sa đi trình bà con dòng họ để thông báo rằng mình chuẩn bị xuất gia. Sáng ngày thứ ba, gia đình chuẩn bị một số món ăn đem vào chùa để cúng. Đến trưa, các sư ở chùa sẽ tổ chức buổi Hoằng pháp tại chánh điện và làm lễ mặc áo cà sa cho các tăng mới nhập tu. Từ thời điểm này, các tăng sẽ ở lại chùa để tiếp tục con đường tu học.

Dân tộc duy nhất Việt Nam có phong tục con trai tròn 12 tuổi sẽ xuống tóc đi tu, người đã xuất gia mới dễ lấy vợ, lý do thực sự đằng sau gây xúc động - ảnh 2
Trong ngày đầu tiên, người con trai được các sư làm lễ thế phát (cạo đầu), thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một tấm khăn vải trắng khoác lên vai từ trái sang phải. Ảnh: Dân Trí

Các tăng mới nhập tu trong chùa được gọi là Sa Di. Trong thời gian tu hành, các Sa Di chủ yếu học kinh và giáo lý Phật bằng tiếng Pali, đồng thời học chữ Khmer do vị Sư Cả trong chùa trực tiếp giảng dạy. Lịch sinh hoạt của các Sa Di đều theo quy định của chùa, mọi hoạt động diễn ra theo tiếng kẻng báo hiệu, tạo nên nề nếp kỷ luật và sự thiêng liêng trong quá trình tu tập.

Trong thời gian tu hành, gia đình của các Sa Di vẫn được phép đến thăm. Tuy nhiên, trong những lần gặp gỡ, các Sa Di và người thân phải giữ khoảng cách thể hiện sự tôn kính dành cho những người tu hành. Ngoài ra, mỗi tháng, các Sa Di cũng được về thăm nhà một lần, nhưng chỉ trong ngày, để duy trì mối liên kết gia đình trong khuôn khổ tu hành.

Sau một thời gian tu học, người con trai Khmer sẽ được phép xuất tu, đánh dấu một bước chuyển trong đời. Từ đây, họ chính thức được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, có đạo đức và có khả năng gánh vác trọng trách.

Con gái Khmer thường quan niệm rằng những chàng trai đã từng tu hành trong chùa là những người có học thức, được xã hội trọng vọng và biết cách cư xử. Vì vậy, khi đến tuổi lập gia đình, họ thường ưu tiên chọn những người đàn ông đã từng đi tu và hoàn tục, xem đây như một biểu hiện của phẩm hạnh và hiểu biết.

Hàng năm vào dịp trước hoặc sau Tết Chôl Chnăm Thmây – lễ hội mừng năm mới của người Khmer diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch, lễ nhập tu báo hiếu lại được tổ chức.

Dân tộc duy nhất Việt Nam có phong tục con trai tròn 12 tuổi sẽ xuống tóc đi tu, người đã xuất gia mới dễ lấy vợ, lý do thực sự đằng sau gây xúc động - ảnh 3
Lễ nhập tu báo hiếu được tổ chức vào dịp trước hoặc sau Tết Chôl Chnăm Thmây hàng năm. Ảnh: Dân Trí

Đối với đồng bào Khmer, ý nghĩa lớn lao của việc xuất gia báo hiếu không nằm ở mục đích trở thành Phật, mà là để hoàn thiện bản thân và trở thành một con người có đạo đức. Thời gian tu tập là quá trình chuẩn bị để người thanh niên Khmer có đủ kiến thức, lòng nhân ái và phẩm chất tốt đẹp, sẵn sàng xây dựng một cuộc sống ý nghĩa và có ích khi trở về với cộng đồng.

>> Bộ tộc 'bí ẩn thế giới' ở Việt Nam quen ở hang sâu, leo trèo trên vách đá, sở hữu phép thuật kỳ lạ làm khó khoa học

Bộ tộc duy nhất ở Việt Nam có tập tục ngủ ngồi, đẻ ngồi, hơn 400 năm sống tách biệt hoàn toàn với văn minh loài người

Bộ tộc hiếm hoi trên thế giới suốt 900 năm không có người mắc ung thư, người dân sống thọ tới 145 tuổi, bữa ăn có loại rau củ bán đầy chợ Việt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/dan-toc-duy-nhat-viet-nam-co-phong-tuc-con-trai-tron-12-tuoi-se-xuong-toc-di-tu-nguoi-da-xuat-gia-moi-de-lay-vo-ly-do-thuc-su-dang-sau-gay-xuc-dong-130142.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dân tộc duy nhất Việt Nam có phong tục con trai tròn 12 tuổi sẽ xuống tóc đi tu, người đã xuất gia mới dễ lấy vợ, lý do thực sự đằng sau gây xúc động
    POWERED BY ONECMS & INTECH