Đằng sau câu chuyện 'có tiếng mà không có miếng' suốt 12 năm độc quyền vàng miếng của SJC

20-05-2024 07:45|Khởi Phong - Khánh Linh

"Có tiếng mà chẳng có miếng", đó là hình ảnh có thể khái quát về câu chuyện lợi nhuận đằng sau việc độc quyền vàng miếng của SJC.

SJC độc quyền vàng miếng - "Có tiếng không có miếng"

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 180/QĐ-UB của UBND TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, SJC vẫn là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia, vì họ chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Cũng trong năm này, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành để kiểm soát nguồn cung, chống "vàng hóa" nền kinh tế. Việc chuyển giao thương hiệu vàng SJC về cho NHNN từ năm 2012 xem như đã chấm dứt sản xuất vàng SJC, tính đến thời điểm này.

Đằng sau câu chuyện 'có tiếng mà không có miếng' suốt 12 năm độc quyền vàng miếng của SJC
Ảnh minh họa

Theo quy định này, SJC không được nhập, dập vàng miếng, chỉ được dập lại vàng móp. Do không được sản xuất vàng miếng, SJC chuyển hướng sản xuất và kinh doanh vàng nữ trang. Giai đoạn đầu sản phẩm trang sức của SJC gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và mới chỉ có lãi từ 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên mức lợi nhuận này vẫn không thể so sánh được với lợi nhuận hàng trăm tỷ mỗi năm giai đoạn “hoàng kim” của SJC.

Trong buổi họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP HCM được tổ chức vào chiều 16/5 vừa qua, Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng nhiều lần khẳng định rằng sau 12 năm trở thành thương hiệu quốc gia, SJC hoàn toàn không có lợi ích. SJC đã thể hiện đúng vai trò là một thương hiệu quốc gia, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

"Độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi", bà Hằng nói và khẳng định dù giá chênh lệch 15-20 triệu hay hơn nữa công ty cũng không được lợi.

>> SJC đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, khẳng định không được hưởng lợi thậm chí còn mang tiếng trục lợi

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hằng khẳng định điều này với truyền thông. Mỗi đợt có biến động giá vàng, lãnh đạo SJC luôn được hỏi và đều lặp lại điều này với công luận.

Lãnh đạo SJC dẫn chứng trước năm 2012 - thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng lên tới 300, 400 tỷ đồng một năm. Từ sau năm 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, chỉ còn dao động trong khoảng 30-90 tỷ đồng/năm.

Đằng sau câu chuyện 'có tiếng mà không có miếng' suốt 12 năm độc quyền vàng miếng của SJC
Tổng hợp từ BCTC DN

Trên thực tế, nhìn lại hơn 1 thập kỷ từ khi Nhà nước thay đổi chính sách quản lý về vàng miếng, có thể thấy, doanh thu của SJC đã giảm mạnh ngay từ năm 2013, mức giảm tới 60% so với năm 2012, đồng thời lợi nhuận giảm 35%.

Năm 2014 là năm doanh thu SJC chạm đáy, ghi nhận ở mức 16.037 tỷ đồng và sau đó dần nhích lên vào giai đoạn từ sau 2015 trở đi. Tuy nhiên, lợi nhuận SJC cũng không ổn định và chỉ dao động vài chục tỷ đồng/năm.

Lợi nhuận SJC chạm mức thấp nhất vào năm 2018, chỉ vỏn vẹn 28 tỷ đồng. Trong năm này, doanh thu đạt 20.871 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2017. Đồng thời, các khoản chi phí khác tăng cao do phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu và khoản phạt do vi phạm hợp đồng ký quỹ không hoàn lại. Năm 2018, công ty đã phải đóng cửa một số cửa hàng hoạt động không hiệu quả trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, doanh thu và lợi nhuận gộp giảm mạnh so với các năm trước.

Năm gần nhất, SJC ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 28.408 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2022. Mức doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp đã đạt đỉnh sau 12 năm kể từ khi Nghị định 24 được áp dụng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ khiêm tốn ở mức 60,9 tỷ đồng, vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời hoàng kim lãi hàng trăm tỷ trước đây.

Hơn 1 thập kỷ biên lợi nhuận "đi trên băng"

Doanh thu cao nhưng lãi mỏng là tình trạng đã duy trì hàng chục năm qua ở SJC. Từ năm 2012 đến nay, biên lãi gộp của SJC chỉ dao động quanh mức 0,6%-0,9%. Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức cao nhất chỉ đạt 1,1% vào thời điểm năm 2020. Con số này chỉ bằng 1/10 so với PNJ, đối thủ cùng ngành của SJC. Trong giai đoạn 2012-2023, biên lợi nhuận gộp của PNJ ghi nhận ở mức 8-20% mỗi năm.

Đằng sau câu chuyện 'có tiếng mà không có miếng' suốt 12 năm độc quyền vàng miếng của SJC
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của SJC và PNJ trong giai đoạn 2012-2023

Khoảng cách lớn về biên lợi nhuận gộp giữa 2 doanh nghiệp có thể được lý giải từ những góc độ sau:

Thứ nhất, trong mảng vàng miếng, SJC, PNJ hay bất cứ doanh nghiệp nào đều kinh doanh theo hình thức mua đi - bán lại, không có lợi thế về sự độc quyền. Biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh vàng miếng thường rất mỏng, chưa tới 1%, điều này đã nhiều lần được lãnh đạo các doanh nghiệp vàng bạc lớn chia sẻ.

Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn giá vàng biến động thì SJC có lẽ còn “thờ ơ” hơn các doanh nghiệp khác, mua bán bình thường, duy trì trạng thái cân đối mỗi ngày.

Điều này đã được lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định trong bài phỏng vấn với báo Tuổi trẻ: “Công ty SJC là doanh nghiệp nhà nước, không được phép đầu cơ, luôn duy trì trạng thái cân đối mỗi ngày. Hoạt động đầu cơ, không tuân thủ nguyên tắc cân đối vàng là vi phạm quy định hoạt động kinh doanh của công ty bởi vì nếu đầu cơ, không cân đối mua bán mỗi ngày có thể dẫn đến làm mất vốn của Nhà nước”.

Thứ hai, trong mảng kinh doanh nữ trang, PNJ là trường hợp tiêu biểu cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh nhờ việc dịch chuyển cơ cấu sản phẩm sang vàng trang sức, mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với vàng miếng. Xét về hiệu quả kinh doanh vàng nữ trang, PNJ có sự vượt trội và lợi thế hơn SJC về việc xây dựng thị trường, chiến lược, thương hiệu,...

Sự năng động trong định hướng kinh doanh của PNJ phần nào được phản ánh qua chuyển động tăng của biên lợi nhuận gộp trong thập kỷ qua. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của SJC gần như "dậm chân tại chỗ" với 1 đường thẳng tuột.

Mặc dù trong bản kế hoạch nhiều năm nay, SJC đều nhấn mạnh về kế hoạch phát triển mảng kinh doanh vàng trang sức, thậm chí trở thành doanh nghiệp hàng đầu và mở rộng sang thị trường Đông Nam Á nhưng kết quả thực hiện vẫn còn cách rất xa mục tiêu.

Năm 2024, bên cạnh mảng vàng nữ trang, công ty cũng dự kiến ra mắt loạt sản phẩm mới bao gồm đồ thủ công mỹ nghệ, đồng hồ, kính mắt và hợp tác với các công ty du lịch để mở rộng chuỗi sản phẩm SJC đến du khách. Việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới này sẽ thúc đẩy SJC mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh, tăng nguồn thu và tạo ra nhiều việc làm mới.

>> Chuyên gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, lập sàn vàng

Vàng SJC neo cao 90 triệu: Đấu thầu vàng cần bán cho người mua giá thấp nhất

SJC đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, khẳng định không được hưởng lợi thậm chí còn mang tiếng trục lợi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dang-sau-cau-chuyen-co-tieng-ma-khong-co-mieng-suot-12-nam-doc-quyen-vang-mieng-cua-sjc-235370.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đằng sau câu chuyện 'có tiếng mà không có miếng' suốt 12 năm độc quyền vàng miếng của SJC
    POWERED BY ONECMS & INTECH