Thế giới

'Vũ khí' giúp Trung Quốc đuổi sát nút Mỹ lại trở thành gánh nặng, siêu cường châu Á đang đứng trước thử thách sống còn?

Vương Vương 07/12/2024 11:14

Đối mặt với nhu cầu yếu trong nước và nguy cơ thuế quan ở nước ngoài, Bắc Kinh đang chịu áp lực phải suy nghĩ lại về mô hình xuất khẩu của mình.

Thông thường, các nhà xuất khẩu không đón nhận tin tức về thuế quan một cách tích cực. Tuy nhiên, tại trung tâm sản xuất ở Phật Sơn, Trung Quốc, thông báo của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào cuối tháng trước về việc áp đặt thêm 10% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại mang đến cảm giác “nhẹ nhõm”.

Trước đó, ông Trump từng cam kết sẽ áp đặt mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một mức thuế có thể “giáng đòn” mạnh mẽ vào các nhà sản xuất thiết bị gia dụng và phụ kiện tại Phật Sơn.

Ken Huo, Giám sát viên tại Hiệp hội Ngoại thương Phật Sơn, nhận định: “Nếu mức thuế thực sự là 60%, điều này sẽ cực kỳ tàn khốc đối với hàng hóa 'Made in China' xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng mức 10%, dù có được áp dụng ngay khi ông Trump nhậm chức ngày 20/1 thì vẫn có thể kiểm soát được”.

Danh xưng ‘công xưởng của thế giới’ có thể sắp ‘giáng đòn’ trực diện vào nền kinh tế Trung Quốc: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Đối mặt với nhu cầu yếu trong nước và nguy cơ thuế quan ở nước ngoài, Bắc Kinh đang chịu áp lực phải suy nghĩ lại về mô hình xuất khẩu của mình

Thách thức mới cho ngành sản xuất của Trung Quốc

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump được dự báo sẽ là một trong những thử thách “khắc nhiệt” nhất đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc - “cỗ máy công nghiệp” đáng gờm nhất thế giới với 2 thập kỷ phát triển.

Trong bối cảnh nhu cầu nội địa sụt giảm vì khủng hoảng bất động sản, Bắc Kinh ngày càng phụ thuộc vào các ngành xuất khẩu để duy trì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sản xuất tiên tiến cũng là trọng tâm trong chiến lược dài hạn của nước này. Các nhà chức trách muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ và sản xuất phương Tây. Theo đó, nước này đang chuyển sự tập trung từ các lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng sang các ngành công nghiệp tiên tiến.

Áp lực từ cạnh tranh và bảo hộ thương mại quốc tế

Arvind Subramanian, một chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét rằng năng lực sản xuất của Trung Quốc đang đạt đến mức thống trị hiếm thấy trong lịch sử. Ông cũng cảnh báo rằng vấn đề nằm ở chỗ sức mạnh này của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng.

Theo Richard Baldwin, Giáo sư Kinh tế quốc tế tại Trường Kinh doanh IMD, Trung Quốc hiện chiếm 35% (2020) sản lượng công nghiệp toàn cầu, gấp ba lần Mỹ và nhiều hơn tổng cộng chín quốc gia đứng sau. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng trong nước thấp hơn nhiều so với mức 70% của Nhật Bản, Đức và 80% của Mỹ.

Thị phần xuất khẩu sản phẩm của Trung Quốc đã đạt 20% vào năm 2020, một con số ấn tượng, tăng mạnh từ mức chỉ 3% vào năm 1995.

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong việc xuất khẩu gần 600 sản phẩm trong số khoảng 5.000 sản phẩm toàn cầu vào năm 2019, gấp 6 lần so với Mỹ và Nhật Bản và gấp đôi so với Liên minh châu Âu (EU).

Sự tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng 12% về khối lượng trong năm nay theo Goldman Sachs. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đã chủ động thúc đẩy ngành sản xuất, nhấn mạnh vào các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện, robot và hàng không vũ trụ.

Danh xưng ‘công xưởng của thế giới’ có thể sắp ‘giáng đòn’ trực diện vào nền kinh tế Trung Quốc: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 2
Những chiếc ô tô đang chờ xuất khẩu tại một điểm vận chuyển ở Thượng Hải

Những chính sách này, kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp vốn vay với lãi suất thấp và trợ cấp nhà nước cho các ngành công nghiệp chủ chốt đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế là "công xưởng của thế giới".

Theo ước tính của Morgan Stanley, đầu tư vào tài sản cố định trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9% trong năm nay, cao hơn so với mức 6,5% của năm ngoái.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng việc Bắc Kinh quá phụ thuộc vào sản xuất có thể là một rủi ro lớn. Alicia Garcia-Herrero, Kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixiscảnh báo rằng: “Chủ nghĩa bảo hộ mà Trung Quốc đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai không chỉ đến từ thế giới phương Tây, mà sẽ ngày càng gia tăng”.

Theo bà, đến một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc lại chiến lược dựa hoàn toàn vào công nghiệp hóa như là con đường tăng trưởng duy nhất.

Các tín hiệu từ các nhà sản xuất

Tại Phật Sơn - trung tâm công nghiệp nổi tiếng với khẩu hiệu “Ở đâu có nhà, ở đó có sản phẩm Phật Sơn”, các dấu hiệu khó khăn đã hiện rõ.

Danh xưng ‘công xưởng của thế giới’ có thể sắp ‘giáng đòn’ trực diện vào nền kinh tế Trung Quốc: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 3
Một nhân viên làm việc trong xưởng của một nhà máy sản xuất lò vi sóng ở Phật Sơn

Trước đây, thị trường bất động sản Trung Quốc phát triển mạnh và thị trường xuất khẩu lớn là những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất tại Phật Sơn. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, tình hình đã thay đổi.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Phật Sơn năm ngoái giảm 10,5% và xu hướng này tiếp tục trong năm nay. Nhiều nhà máy nhỏ đã phá sản do không thể duy trì hoạt động trong bối cảnh suy thoái.

Sự suy thoái này đã khiến nhiều nhà sản xuất, kể cả những đơn vị chưa từng xuất khẩu, phải “tìm cách ra nước ngoài” để tìm kiếm thị trường mới. Điều này có nghĩa là nhiều doanh nghiệp phải thử nghiệm với thương mại quốc tế, mặc dù họ không có kinh nghiệm hay năng lực thương mại quốc tế trước đây.

Một chiến lược phổ biến khác là xây dựng nhà máy tại các quốc gia khác, đặc biệt là Đông Nam Á, để tránh các rào cản địa chính trị. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vẫn gặp khó khăn trong việc tái lập hiệu quả lao động của Trung Quốc ở nước ngoài.

Sự chuyển đổi cần thiết của nền kinh tế Trung Quốc

Theo Financial Times, chính quyền ông Donald Trump có thể buộc Bắc Kinh phải nhanh chóng chuyển sang mô hình kinh tế do nhu cầu trong nước thúc đẩy.

Nhiều học giả và chuyên gia nhận định rằng mô hình sản xuất và xuất khẩu truyền thống của Trung Quốc đã đạt đỉnh. Giáo sư Yao Yang, nhà kinh tế học nổi tiếng nhấn mạnh: “Đã đến lúc Trung Quốc cần thay đổi chiến lược kinh tế của mình, tập trung nhiều hơn vào nhu cầu trong nước”.

Nếu không, cỗ máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra căng thẳng thương mại và những phản ứng tiêu cực từ các đối tác quốc tế.

Tham khảo FT

>> Trung Quốc khiến hàng nghìn nhà máy tại Đông Nam Á đóng cửa, một đồng minh BRICS quyết tung 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu: Chuyện gì đang xảy ra?

Xuất khẩu xe hybrid sang châu Âu tăng vọt, mức thuế 45% của EU trở nên vô dụng?

Cấm xuất khẩu một loạt khoáng sản then chốt, Trung Quốc 'tung đòn' trả đũa Mỹ

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/danh-xung-cong-xuong-cua-the-gioi-co-the-sap-giang-don-truc-dien-vao-nen-kinh-te-trung-quoc-chuyen-gi-dang-xay-ra-131798.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Vũ khí' giúp Trung Quốc đuổi sát nút Mỹ lại trở thành gánh nặng, siêu cường châu Á đang đứng trước thử thách sống còn?
    POWERED BY ONECMS & INTECH