Trung Quốc khiến hàng nghìn nhà máy tại Đông Nam Á đóng cửa, một đồng minh BRICS quyết tung 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu: Chuyện gì đang xảy ra?
Trung Quốc đang đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia đang phát triển khi dòng hàng hóa giá rẻ từ nước này tràn vào, gây áp lực lên ngành công nghiệp địa phương và tạo ra mối lo ngại về sự mất việc làm.
Trung Quốc và làn sóng hàng giá rẻ
Dòng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào các nước đang phát triển, làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và các quốc gia thuộc Nam bán cầu. Điều này đồng thời làm phức tạp thêm kế hoạch xây dựng liên minh của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ leo thang.
Wall Street Journal (WSJ) viết, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ tăng mạnh thuế quan đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách chuyển bớt lượng sản xuất dư thừa sang các quốc gia đang phát triển, từ Indonesia đến Pakistan hay Brazil.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số đó đang phản ứng mạnh mẽ, bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc gây áp lực lên ngành công nghiệp địa phương, dẫn đến mất việc làm và cản trở nỗ lực phát triển ngành sản xuất trong nước của họ.
Hiện nhiều quốc gia đang coi sản xuất công nghiệp là bước đi quan trọng để thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Đối với Trung Quốc, phản ứng dữ dội này có nguy cơ làm suy yếu chiến lược mà Bắc Kinh đang theo đuổi nhằm xây dựng các liên minh để ứng phó với Mỹ.
Các quốc gia đang phát triển lo ngại rằng họ sẽ phải chịu đựng cú sốc kinh tế từ Trung Quốc tương tự như những gì đã xảy ra với Mỹ cách đây 25 năm.
Các nhà kinh tế ước tính Mỹ mất hơn 2 triệu việc làm trong giai đoạn 1999-2011 khi ngành sản xuất nội địa, từ đồ nội thất đến quần áo, đồ chơi không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hàng loạt nhà máy đóng cửa
Tình trạng này đang lặp lại tại một số đối tác thương mại của Trung Quốc. Tại Thái Lan, hơn 1.700 nhà máy đã đóng cửa từ đầu năm 2023 đến quý I/2024 sau khi hàng xuất khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, theo nghiên cứu của KKP.
Mặc dù các nhà máy mới đã được mở để bù đắp phần nào, KKP cảnh báo triển vọng tương lai sẽ có nhiều thách thức hơn.
Hiệp hội Công nghiệp Gốm sứ Indonesia cũng nói rằng hơn sáu nhà máy gốm sứ của Indonesia đã đóng cửa do sự cạnh tranh từ đĩa và bát giá rẻ của Trung Quốc.
Để chống lại áp lực này, các quốc gia đang phát triển đã thực hiện gần 250 biện pháp phòng vệ thương mại nhắm vào hàng hóa Trung Quốc kể từ năm 2022, bao gồm thuế quan, điều tra chống bán phá giá…, tổ chức Global Trade Alert tại Thụy Sĩ cho biết.
Những căng thẳng ngày một gia tăng
Dù có mối quan hệ khăng khít, Brazil, một thành viên quan trọng của khối BRICS cũng buộc phải thực hiện hơn 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với Trung Quốc. Cụ thể, nước này đã tăng thuế đối với phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông và thép từ Trung Quốc cũng như một số nước khác.
Tại Indonesia, Chính phủ cũng đã cấm ứng dụng Temu - nền tảng thương mại điện tử với nhiều mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc với lý do lo ngại nguy cơ bán phá giá.
“Nếu các sản phẩm nước ngoài vào thị trường với mức giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm từ doanh nghiệp địa phương nhỏ, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các sản phẩm rẻ hơn. Các doanh nghiệp nhỏ của chúng tôi sẽ phải vật lộn để cạnh tranh”, Prabunindya Revta Revolusi, quan chức tại Bộ Thông tin Truyền thông Indonesia cho biết.
Bộ Thương mại Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Hiện tại, ông Donald Trump nói rằng mình sẽ tăng thuế khoảng 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Ngay cả mức tăng nhỏ hơn cũng có thể làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc - vốn đang vật lộn để phục hồi sau tình trạng bất động sản đi xuống và các vấn đề khác. Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách để đồng tiền của mình yếu đi, khiến hàng hóa của mình rẻ hơn đối với những người mua khác.
Nhưng điều đó có thể sẽ khiến Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu nhiều hơn sang các quốc gia đang phát triển và tạo áp lực cho thị trường nội địa, từ đó nhiều khả năng đẩy căng thẳng thương mại lên cao hơn.
Sự dư thừa
Kể từ khi bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2021, Bắc Kinh đã bơm nhiều tiền vào lĩnh vực sản xuất, dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa và gia tăng xuất khẩu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), từ năm 2022 đến nay, giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi đã tăng 19%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 11%.
Điều này làm thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế mới nổi đạt 384 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 8/2024, cao hơn 56% so với năm 2021.
Dù vậy, hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc mang lại lợi ích cho người tiêu dùng không có thu nhập cao.
Ngoài ra, khi các doanh nghiệp của các quốc gia đang phát triển bán sản phẩm (như nông sản, khoáng sản, hoặc hàng hóa chế tạo) cho Trung Quốc, nhu cầu tăng cao sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tạo ra nhiều công việc cho người lao động ở các quốc gia này.
Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo vào tháng 10 cho biết, lợi ích mà các nước đang phát triển nhận được từ Trung Quốc đã giúp bù đắp những bất lợi từ sự cạnh tranh của Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2008 - 2019, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1%, nó đã tạo ra tác động tích cực giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực Châu Á tăng trưởng thêm khoảng 0,14%.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng nhận thấy tác động này đang giảm dần và có thể đảo ngược nếu xu hướng hiện tại tiếp tục.
Theo WSJ
>> Đồng Nhân dân tệ Trung Quốc bất ngờ chạm đáy 1 năm, chuyện gì đã xảy ra?