Đảo quốc nhỏ nhất thế giới từng giàu có nhất Trái Đất nay nghèo hơn Việt Nam 3.000 lần, GDP lọt top 10 nước thấp nhất trong nhiều năm liền
Theo countryeconomy.com, năm 2022, GDP của quốc gia này chỉ đạt khoảng 152 triệu USD, kém hơn Việt Nam gần 3.000 lần.
Đảo quốc nhỏ nhất thế giới
Theo Far & Wide, với chưa đến 1.000 du khách mỗi năm (đôi khi thậm chí là 200 du khách), Nauru là một trong 10 nước ít được ghé thăm nhất thế giới và cũng là một trong những hòn đảo cô lập nhất thế giới.
Quốc đảo nhỏ này nằm ở Micronesia, phía đông bắc Australia. Toàn bộ hòn đảo có diện tích chưa đầy 21km2 và là nơi sinh sống của khoảng 10.000 cư dân.
Đảo cách quần đảo Solomon khoảng 800 dặm (1.300km) về phía đông bắc; láng giềng gần nhất là đảo Banaba, ở Kiribati, khoảng 200 dặm (300km) về phía đông. Nauru không có thủ đô chính thức, nhưng các văn phòng Chính phủ được đặt tại quận Yaren.
Hầu hết diện tích của Nauru nhô lên đột ngột từ đại dương và không có bến cảng hoặc khu neo đậu được bảo vệ. Một vành đai khá màu mỡ nhưng tương đối hẹp bao quanh đảo và bao quanh Đầm phá Buada trong đất liền. Xa hơn trong đất liền, các vách đá san hô nhô lên thành cao nguyên với độ cao 30m so với mực nước biển, điểm cao nhất khoảng 65m. Cao nguyên phần lớn được cấu tạo từ đá phốt-pho. Khoáng sản bao phủ hơn 2/3 hòn đảo, và việc khai thác khoáng sản đã tạo ra những mỏm đá vôi hình chóp nhọn kỳ lạ, mang đến cho quốc đảo này một cảnh quan khác thường.
Đây là quốc đảo nhỏ nhất thế giới, Nauru chỉ lớn hơn hai quốc gia khác là Vatican City và Monaco. Với diện tích khiêm tốn như vậy, Nauru không có khu bảo tồn, không có di sản thế giới, không có sông và chỉ có 18 dặm (30km) đường.
Khí hậu ở Nauru là nhiệt đới, với nhiệt độ ban ngày thấp (khoảng 28 độ C) do gió biển thổi vào. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000mm và không ổn định, dẫn đến hạn hán kéo dài. Ở Nauru không có sông hoặc suối.
Đất đai ở Nauru không màu mỡ và có độ xốp cao. Cùng với đó, lượng mưa không đều khiến việc canh tác bị hạn chế. Khai thác phosphate (phốt-pho) đã tàn phá phần bên trong của hòn đảo, khiến khoảng 4/5 trong số đó không thể ở được và không thể canh tác được. Các loại cây trồng tự cung tự cấp, chủ yếu là dừa, dứa dại, chuối, dứa và một số loại rau không đủ cung cấp cho người dân. Nauru là điểm dừng chân yêu thích của các loài chim di cư và nhiều loài gà. Trên đảo không có động vật có vú và một số loài vật được mang đến đây từ các nước khác.
Kỳ lạ quốc gia "từ giàu thành nghèo"
Nauru là một trong những quốc gia có GDP thấp nhất. Theo countryeconomy.com, năm 2020, GDP của Nauru là 125 triệu USD, đứng thứ 195 trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới. Đến năm 2022, GDP nước này mới đạt 152 triệu USD, kém Việt Nam gần 3.000 lần.
Năm 1980, Nauru là quốc gia giàu có nhất trên Trái Đất. Nhưng từ năm 2017 đến nay, Nauru được xếp vào danh sách 5 quốc gia nghèo nhất trên thế giới bởi BusinessTech. Lịch sử của hòn đảo Thái Bình Dương nhỏ bé này vừa thú vị vừa kỳ lạ.
Ban đầu hòn đảo này bị chiếm đóng bởi những người từ Micronesia và Polynesia, sau đó bị một số quốc gia đô hộ từ thế kỷ 19. Quốc đảo này lần đầu tiên được tuyên bố chủ quyền bởi Đức, sau đó được quản lý bởi Australia, New Zealand và Vương quốc Anh. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nauru đã bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Nauru cuối cùng giành được độc lập vào năm 1968.
Là một quốc gia nhỏ nhất và ít du khách nhất trên thế với dân số cũng vào loại ít nhất thế giới, Nauru có lẽ được biết đến nhiều nhất với lịch sử từ giàu trở nên nghèo đói. Điều này được Helen Hughes miêu tả cụ thể trong một bài báo năm 2004.
Khai thác phốt-pho là nguồn thu nhập chính của Nauru trong những năm 1970 và 1980. Với giá phốt-pho cao trong những năm 1970, Hughes ước tính rằng GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1975 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Saudi Arabia.
Nền kinh tế quốc gia bùng nổ và người dân nhanh chóng tận dụng sự sung túc mới kiếm được để mua xe hơi và xây nhà lớn. Chính phủ đã xây dựng hòn đảo với những tòa nhà và khách sạn ấn tượng. Họ thậm chí còn thành lập hãng hàng không riêng để nhập khẩu đồ ăn phương Tây.
Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp đó không tồn tại lâu. Do khai thác quá mức, nguồn phốt-pho trở nên cạn kiệt và đất nước lâm vào cảnh nợ nần. Chi tiêu của Chính phủ bắt đầu vượt quá doanh thu.
Vào cuối những năm 1990, Nauru trở nên tuyệt vọng và hậu quả là quốc gia này phải đối mặt với những lời chỉ trích với các chiến lược thiên đường thuế ở nước ngoài và bán hộ chiếu. Các chiến lược này cuối cùng đã bị loại bỏ. Giá trị của quỹ đầu tư Nauru Phosphate Royalties Trust (NPRT) đã giảm từ 1,3 tỷ USD vào năm 1990 xuống còn 0,3 tỷ USD vào năm 2004, và sau đó Chính phủ ngập sâu trong nợ nần và đang phải vật lộn để trả các hóa đơn của mình. Đến đầu những năm 2000, các nguồn tài nguyên này hầu như đã biến mất hoàn toàn.
Hòn đảo xinh đẹp không bị tấn công bởi Covid-19
Tuy là một quốc gia nhỏ bé, Nauru cũng có đường sắt. Một đoạn đường sắt khổ hẹp dài 2,4 dặm (3,9km) được xây dựng vào năm 1907 để vận chuyển phốt-pho đã khai thác - nền tảng của kinh tế hòn đảo trong nhiều thập kỷ.
Một điều thú vị khác là hầu hết người trên đảo đều nói tiếng Anh. Với mối quan hệ chặt chẽ với Australia, New Zealand và Vương quốc Anh, không có gì ngạc nhiên khi Nauru là một trong 45 quốc gia có ít nhất một nửa dân số nói tiếng Anh (theo cuốn sách "English as a Global Language" của David Crystal). Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức là Nauru, một ngôn ngữ đảo Thái Bình Dương riêng biệt được sử dụng trong hầu hết gia đình bản địa.
Nauru còn là hòn đảo không bị tấn công bởi Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, không có ca nhiễm Covid-19 ở Nauru. IMF cho biết: "Các biện pháp sớm và quyết liệt đã ngăn chặn thành công sự bùng phát Covid-19 ở Nauru, và tính đến tháng 1/2022 không có trường hợp Covid-19 nào trên đảo". Ngoài Nauru, Micronesia, Tuvalu, quần đảo Pitcairn và St Helena cũng là những nơi chưa bị Covid-19 tấn công.
Nauru cũng không phải là nơi dễ dàng phát triển du lịch. Du khách bắt buộc phải trả 100 USD cho một visa từ lãnh sự quán và đại sứ quán Nauru. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có 10 văn phòng làm được điều này.
Nếu xin visa thành công, du khách sẽ phải tới Brisbane, Australia để bắt chuyến bay một tuần mới có một lần của hãng hàng không Our Airlane đi Nauru, bao gồm điểm dừng chân tại quần đảo Solomon, phía đông Papua New Guinea.
Trên đảo có 4 khách sạn, gồm Menen - khách sạn lớn nhất Nauru, và những khách sạn còn lại đều có tầm nhìn hướng ra biển. Các nhà hàng tại đây phục vụ theo ẩm thực phương Tây và Thái Bình Dương.
Dù mỗi năm nơi này chỉ đón ước tính khoảng 200 khách du lịch, nhưng Nauru vẫn được đánh giá là "quốc gia dễ chịu". Tài liệu ghi lại cho thấy, vị khách phương Tây đầu tiên đặt chân tới vào năm 1789 là một ngư dân đánh cá voi người Anh có tên John Fearn. Ông mô tả "hòn đảo dễ chịu nhờ khí hậu trong lành". Quanh đảo được bao phủ bởi những rạn san hô, phù hợp cho nhiều hoạt động lặn và khám phá biển.