Đào trộm từ mộ 'Chúa bà' đến lăng vua để dò tìm cổ vật
Trước vụ hai người Trung Quốc đào bới khu lăng mộ vua Lê Túc Tông, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ đánh cắp cổ vật và đào trộm mộ cổ, gây tổn hại cho di tích, xâm phạm di sản văn hóa của quốc gia.
Mới đây, hai đối tượng người Trung Quốc là Shen Jiangyang và Deng Zhiji đã bị lực lượng công an bắt giữ để điều tra hành vi xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
Trước đó, ngày 3/5, hai nghi phạm sử dụng thiết bị dò kim loại và dụng cụ đào bới để tìm kiếm cổ vật trong khu vực lăng mộ. Tuy nhiên, khi phát hiện có người qua lại, họ đã bỏ lại dụng cụ và rời khỏi hiện trường.
Ngày 4/5, hai đối tượng này bị bắt khi đang trên đường bỏ trốn ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất cảnh sang Trung Quốc. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đáng chú ý, đây không phải vụ việc hi hữu. Những năm qua, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ đánh cắp cổ vật và đào trộm mộ cổ, gây tổn hại cho di tích, xâm phạm di sản văn hóa của quốc gia.
Lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát (TP Huế) bị đào trộm
Hồi đầu tháng 1/2025, một số người trong Hội đồng Nguyễn Phước Tộc khi đến dâng hương tại lăng Trường Thái, nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát (phường Long Hồ, quận Phú Xuân) phát hiện mộ phần của lăng chúa có dấu hiệu bị đào bới xuống sâu bên dưới.
Khu vực bị đào được kẻ gian ngụy trang lá khô, nhân viên bảo vệ di tích trong lúc quét dọn mới phát hiện ra. Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Lỗ đào mộ dù đã lấp lại nhưng vẫn còn rất mới.

Được biết, lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng từng bị kẻ xấu đào trộm dưới thời chiến tranh để tìm kiếm vàng bạc, châu báu.
Nhiều lăng mộ của các chúa Nguyễn, hoàng thân thậm chí là mộ vua nhà Nguyễn cũng từng bị nạn trộm mộ xâm hại để tìm kiếm kho báu, vàng bạc...
Chẳng hạn, lăng Hoàng thái hậu Từ Dũ bị đào trộm vào những năm 1980; lăng Vĩnh Mậu (mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu), lăng Vĩnh Thái (vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát) bị đào trộm năm 1990…
Bồi Lăng của vua Kiến Phúc, An Lăng của vua Dục Đức, lăng Kiên Thái Vương, lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chu… đều từng bị đào trộm, xâm hại.
Trộm mộ ở khu di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội)
Khu di chỉ Vườn Chuối nằm tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức là một trong những địa điểm khảo cổ học quan trọng, tồn tại nhiều lớp văn hóa, trải qua các giai đoạn từ Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đến hậu Đông Sơn.
Là khu vực tập hợp nhiều ngôi mộ cổ nên từ lâu Vườn Chuối đã trở thành địa điểm bị những tên trộm mộ và sưu tầm cổ vật nhòm ngó. Nạn trộm mộ tại đây diễn ra rầm rộ từ năm 2010 đến năm 2020. Những kẻ trộm mộ nhiều lần lén lút dùng máy dò kim loại để truy lùng vết tích các ngôi mộ và đào bới lấy các đồ tùy táng trong mộ.

Đào trộm mộ "Chúa bà" ở Hưng Yên
Đêm 19/11/2013, người dân thôn Thị Trung (xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) phát hiện một nhóm 5-7 người đứng ở ven đường bê tông sát nghĩa địa đầu làng.
Sau đó, nhóm người đi trên chiếc ô tô 7 chỗ màu trắng cầm cuốc, xẻng tiến thẳng tới vị trí ngôi mộ “Chúa bà” để phá mộ. Tuy nhiên, do không thể cậy, phá được nên nhóm này đã đưa cả máy xúc cỡ lớn đến xới tung ngôi mộ.

Sau khi phá quan tài, nhóm người đi 4 tấm ván gỗ thiên, loại gỗ quý chôn theo người chết thời xưa và gom hài cốt lại chôn sơ sài.
Theo lời các vị cao niên trong làng, từ khi họ sinh ra đã thấy ngôi mộ, không ai rõ đó là mộ của ai và nguồn gốc thế nào, chỉ biết các cụ trước bảo đó là mộ “Chúa bà”.
Dựa trên lời kể của các nhân chứng cùng nhiều tư liệu thu thập được, một số ý kiến cho rằng ngôi mộ cổ này khá giống với hình thức mộ hợp chất từng phát hiện nhiều nơi ở nước ta (mộ bà Chúa Chén có niên đại 400 năm ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là một ví dụ điển hình).
Giả mạo giấy tờ đào trộm mộ cổ ở Quảng Nam
Tháng 3/2012, tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ, một nhóm người đã giả mạo chữ ký lãnh đạo địa phương để tổ chức đào bới mộ cổ khoảng 300 năm tuổi của ông Hoàng Hoàng Nhân (niên đại thời Gia Long).

Đây là một ngôi mộ có cấu trúc theo kiểu cổ, xung quanh được xây thành kiên cố, tứ trụ có hình búp sen lớn, bia mộ được khắc bằng văn tự cổ bị đào bới nham nhở. Nắp quan tài bằng khối đá lớn có chạm khắc hoa văn cũng bị nhóm người đào mộ hất văng.
Được biết, trước đó xung quanh ngôi mộ còn có nhiều tượng lính canh gác. Tuy nhiên qua thời gian, những tượng lính này đã không còn.
>> Bên trong khu lăng mộ vua Lê bị 2 người Trung Quốc xâm hại tìm cổ vật
Bên trong khu lăng mộ vua Lê bị 2 người Trung Quốc xâm hại tìm cổ vật
Bắt giữ 2 người Trung Quốc liên quan đến vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm phạm