Đất Hà Nội sốt nóng, cổ phiếu địa ốc tăng tưng bừng trên sàn chứng khoán
Nhóm cổ phiếu địa ốc tăng bứt phá trên sàn chứng khoán sau nhiều tháng chìm khá sâu. Dòng tiền có dấu hiệu trở lại với kênh đầu tư này. Thị trường bất động sản cũng đang sốt nóng ở một số khu vực Hà Nội.
Trong phiên giao dịch 20/8, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp với dòng tiền đổ vào mạnh hơn so với phiên liền trước. Một số cổ phiếu trụ cột trong đó có nhóm “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và nhóm ngân hàng diễn biến tích cực.
Lực mua tăng mạnh về cuối phiên giúp thị trường có một phiên tăng điểm ấn tượng.
Chốt phiên 20/8, chỉ số VN-Index tăng 10,93 điểm (tương đương tăng 0,87%) lên 1.272,55 điểm. HNX-Index tăng 0,55%, trong khi Upcom-Index tăng 0,41%. Thanh khoản tăng lên mức hơn 19.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, hơn 1.300 tỷ đồng trên HNX và hơn 676 tỷ đồng trên Upcom.
Thị trường tăng mạnh chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản với một số mã tăng kịch trần, còn lại rất nhiều mã tăng điểm mạnh.
Nhóm cổ phiếu Vin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có mức tăng khá. Vingroup (VIC) tăng 550 đồng lên 41.700 đồng/cp; Vinhomes (VHM) tăng 800 đồng lên 39.400 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) tăng 450 đồng lên 18.750 đồng/cp.
Trong khi Bất động sản Phát Đạt (PDR) tăng trần thêm 1.300 đồng lên 20.450 đồng/cp. Đất Xanh (DXG) tăng kịch biên độ thêm 1.000 đồng lên 15.600 đồng/cp. Đầu tư Hải Phát (HPX) tăng trần 370 đồng lên 5.740 đồng/cp.
Novaland (NLV) của ông Bùi Thành Nhơn tăng 600 đồng lên 12.700 đồng/cp. DIC Corp. (DIG) tăng 1.350 đồng lên 25.050 đồng/cp. Địa ốc Sài Gòn (SGR) tăng trần 2.000 đồng lên 30.900 đồng/cp…
Số lượng cổ phiếu mang sắc xanh áp đảo số lượng cổ phiếu đỏ trên sàn.
Nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng cũng diễn biến tích cực. Chứng khoán VNDirect (VND) tăng 600 đồng lên 15.550 đồng/cp. Ngân hàng BIDV (BID) tăng 1.250 đồng lên 49.150 đồng/cp. Vietinbank (CTG) tăng 550 đồng lên 33.200 đồng/cp…
Khối ngoại mua ròng cũng là một tín hiệu tích cực. Trong phiên 20/8, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 330 tỷ đồng, trong đó gom mạnh cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank. FPT, Thế Giới Di Động (MWG), Novaland và Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng là các mã được khối ngoại ưu tiên mua.
Ở chiều ngược lại, Vinhomes, GAS và HDBank (HDB) cũng bị bán nhiều.
Các nhà đầu tư không mua ròng nhiều cổ phiếu bất động sản, mà tập trung vào một số mã ngân hàng, công ty chứng khoán, bán lẻ, công nghệ, dầu khí.
Thị trường tăng điểm trong bối cảnh chứng khoán thế giới tiếp tục tăng mạnh, trong đó chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 8 liên tiếp. Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt. Thị trường bất động sản sốt nóng ở một số khu vực, trong đó có vùng ven Hà Nội.
Tới chiều 20/8, tỷ giá USD/VND giảm mạnh về mức 25.080 đồng/USD (giá bán USD tại Vietcombank) so với mức 25.250 đồng/USD hôm 16/8 và mức 25.485 đồng/USD hồi cuối tháng 4. USD trên thị trường quốc tế giảm mạnh, với chỉ số DXY xuống mức 101,84 điểm, so với mức 102,9 điểm hôm 16/8 và 106,25 điểm hồi cuối tháng 4.
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 10 đồng xuống mức 24.251 VND/USD vào sáng 20/8.
Trên thị trường ngân hàng, đà tăng lãi suất tiết kiệm chững lại. Một số ngân hàng quay đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đây cũng là tín hiệu cho thấy dòng tiền có thể bớt chảy vào kênh ngân hàng.
Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu bất động sản?
Có thể thấy, thị trường chứng khoán tăng bứt phá trở lại trong 3 phiên gần đây có sự đóng góp tích cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản.
Theo VNDirrect, bất động sản là một trong các nhóm gây thất vọng nhất trong nửa đầu năm 2024 khi liên tục tìm đáy mới dù được ủng hộ về mặt thay đổi chính sách theo chiều hướng tích cực.
Trong nửa đầu năm, dòng tiền không quan tâm nhiều đến nhóm địa ốc. Do vậy, cổ phiếu nhóm này rơi vào một đợt điều chỉnh trong nhiều tháng, với một số mã giảm mạnh như Novaland, Đất Xanh, CEO, DIG… Chỉ có một số mã của doanh nghiệp duy trì khả năng bán hàng tốt, có câu chuyện như là tái cơ cấu doanh nghiệp thành công và tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ lợi thế đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án và hoàn thành đóng tiền sử dụng đất theo khung giá đất cũ của Chính phủ để giữ được biên lợi nhuận tốt trong giai đoạn sắp tới như là NLG, KDH,… giữ được giá.
Trên thực tế, nhóm bất động sản thường có kết quả kinh doanh không tích cực vào nửa đầu năm.
Sau một thời gian giảm sâu, dòng tiền có dấu hiệu đổ vào nhóm này để bắt đáy và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực hơn trong nửa cuối năm. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động bàn giao nhà cho khách hàng.
Hiện Vinhomes tập trung bàn giao sản phẩm tại các dự án Ocean Park 3, Sky Park, Golden Avenue. Trong khi Nam Long có Akari, Southgate. Khang Điền có The Privia…
Theo VNDirect, cần nhiều thời gian hơn để các chính sách hỗ trợ và việc việc các luật liên quan bất động sản mới phát huy ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Do các luật mới, trước mắt, sẽ có những ảnh hưởng trái chiều lên thị trường bất động sản trong ngắn hạn.
Trong đó một số địa phương bắt đầu áp dụng bảng giá đất mới (với rủi ro giá đất tăng cao so với giá đang áp dụng để phù hợp với mặt bằng giá trên thị trường), sẽ tạo thêm áp lực tài chính lên các doanh nghiệp và khiến giá nhà khó hạ nhiệt.
Mặt khác thì các quy định có lợi hơn cho người mua nhà như yêu cầu củ đầu tư không được thu tiền cọc quá 5%, việc mở rộng phạm vi về quyền sở hữu nhà ở với người nước ngoài... sẽ hỗ trợ tâm lý người mua nhà.
Do vậy, theo VNDirect, nhìn chung, khó có thể kỳ vọng đà tăng mạnh ở nhóm bất động sản trong nửa cuối năm nay, mà xu hướng phục hồi sẽ diễn ra chậm và dần rõ nét khi thị trường chứng kiến tình hình kinh doanh, tài chính của các doanh nghiệp được cải thiện.
Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành bất động sản sẽ phân hóa, những doanh nghiệp đã chứng minh được trong quá khứ là có năng lực triển khai dự án tốt, dự án đầy đủ pháp lý, bán được hàng trong thời gian qua (thể hiện qua doanh số bán trước - presales) cũng như có tình hình tài chính lành mạnh, sử dụng đòn bẩy thấp… sẽ là những cơ hội đầu tư tiềm năng trong giai đoạn này.
2 doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng nộp thuế ‘khủng’ thế nào?
Tuổi 20 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: ‘Tôi chỉ là một người bình thường thôi’