Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long bán gói đầu tư siêu lợi nhuận 90 phút lãi 6%, thực hư ra sao?
Các đối tượng giả danh Vingroup và Hòa Phát, chào bán các gói đầu tư siêu lợi nhuận trong thời gian cực ngắn để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.
Gần đây, các website giả mạo Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã được các đối tượng lừa đảo lập ra với giao diện "như thật", kèm theo những lời mời hợp tác đầu tư với lãi suất "khủng" trong thời gian ngắn. Đáng chú ý, các trang web này còn chạy quảng cáo để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên Google, khiến nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ dễ rơi vào bẫy lừa đảo.
Cụ thể, có một website giả mạo với tên miền vingroup.ac, được lập ra sử dụng logo của Tập đoàn Vingroup. Tại đây, nhóm lừa đảo tạo ra 10 quỹ đầu tư với mức vốn góp từ 2 triệu đồng đến 12 tỷ đồng. Nhà đầu tư càng góp nhiều thì được hứa hẹn lợi nhuận càng lớn trong thời gian ngắn.
Hình ảnh tại website giả mạo |
Ví dụ, với gói đầu tư thấp nhất của dự án "Quỹ giáo dục phát triển liên cấp" có quy mô 253 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể tham gia với số vốn từ 2 triệu đồng. Sau 15 phút, họ sẽ nhận được lợi nhuận 1,32%, tương ứng 26.400 đồng. Các đối tượng lừa đảo còn cam kết rằng đây là khoản đầu tư không rủi ro, với các khoản giải ngân trong vòng 24 giờ, và gốc cùng lãi sẽ được chuyển ngay vào tài khoản khi dự án kết thúc. Số tiền đầu tư vào dự án không giới hạn cho đến khi "kín room". Theo cập nhật trên website lừa đảo, dự án này đã huy động được 68% của tổng số vốn 253 tỷ đồng.
Tương tự, các dự án lớn khác kèm theo lãi suất vô cùng hấp dẫn như "Quỹ VinWonders dự án vui chơi giải trí hàng đầu" có quy mô 65.000 tỷ đồng, yêu cầu nhà đầu tư góp tối thiểu 8 tỷ đồng. Sau 90 phút, lãi nhận được là 5,94%, tương ứng 485 triệu đồng, và hiện đã huy động được 57% vốn.
Gói VIP nhất của website lừa đảo là "Quỹ phát triển công nghệ tương lai AI" với quy mô 128.600 tỷ đồng và đã huy động được 48%. Nhà đầu tư cần đầu tư tối thiểu 12 tỷ đồng, và sau 120 phút sẽ nhận ngay khoản lãi 6,18%, tương ứng 742 triệu đồng.
Các đối tượng dùng mức lãi cao và cam kết không rủi ro để đánh vào lòng tham của "con mồi" |
Không chỉ Vingroup, nhóm đối tượng này còn giả mạo Tập đoàn Hòa Phát thông qua thủ đoạn tương tự.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đã sao chép logo, thông tin và hình ảnh của Hòa Phát để tạo ra các trang web như hoaphat.cc, hptrading nhằm thu hút đầu tư với những lời hứa hấp dẫn. Ví dụ, dự án phát triển sản xuất thép nội địa trị giá 253 tỷ đồng, đã đạt tiến độ 48%, kêu gọi đầu tư tối thiểu 2 triệu đồng với cam kết lợi nhuận 1,32% chỉ sau 15 phút. Các đối tượng còn làm giả quyết định điều chuyển nhân sự và giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long để tạo ra các thông báo có dấu đỏ.
Nhóm đối tượng lừa đảo mạo danh Hòa Phát với thủ đoạn tương tự |
Phía Hòa Phát khẳng định không kêu gọi đầu tư vào bất kỳ dự án nào và đã nhiều lần cảnh báo trên website cùng các kênh truyền thông chính thức của mình. Tập đoàn cũng đã lập vi bằng và phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý những hành vi lừa đảo này.
"Hành vi lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn" - Hòa Phát nêu trong thông báo.
Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gặp khó, sản lượng xuất khẩu HRC giảm 42%
Thị trường 14/8: Cổ phiếu trụ chống đỡ chỉ số trước thềm đáo hạn phái sinh