'Đất lành chim đậu, chỗ của cậu ở bank'
Đất lành chim đậu, chỗ của cậu ở VietinBank”; "Đi đâu mà vội mà vàng, dừng chân ghé lại - muôn vàn job hay" - những lời rao tìm ứng viên tuyển dụng cho ngân hàng rất ngọt, nhưng sự thực không phải vậy.
Qua sơ tuyển là vào… nhóm kín
“Đất lành chim đậu, chỗ của cậu ở VietinBank”; "Đi đâu mà vội mà vàng, dừng chân ghé lại - muôn vàn job hay" - Đó là những câu mở đầu cho một thông báo tuyển dụng nhân sự cho các vị trí: giao dịch viên, chuyên viên thẩm định, trưởng phòng dịch vụ khách hàng, giám đốc kinh doanh, trợ lý giám đốc,…. tại một trang Facebook có tên “Tuyển dụng Vietinbank”.
Trang này có ảnh đại diện là logo của VietinBank, giao diện gần giống hệt fanpage chính thức của ngân hàng khiến nhiều người nhầm tưởng đó là trang tuyển dụng chính thức của VietinBank.
Ngoài ra, hiện nay còn tồn tại một số trang Facebook như “Tuyển dụng Vietinbank toàn quốc”, “Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank tuyển dụng”…chuyên đăng tin tuyển dụng của ngân hàng.
Các đối tượng còn giả mạo cả email của ngân hàng khi sử dụng email “tuyendung@vietinbankvn.com" để gửi thư mời “sơ tuyển online” đến ứng viên. Sau khi đăng ký “sơ tuyển online” các ứng viên được mời tham gia nhóm kín chat Telegram “để tiện kết nối, trao đổi”.
Tuy nhiên, VietinBank khẳng định tất cả những trang Facebook đăng tin tuyển dụng nói trên đều là giả mạo, được các đối tượng lập ra với mục đích lừa đảo, yêu cầu ứng viên nộp phí đặt cọc, phí giữ chỗ, phí tuyển dụng,…
VietinBank cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp các ứng viên nhận được thông tin tuyển dụng, tham gia các quy trình tuyển dụng giả mạo, thông qua đó kẻ gian thực hiện các mục tiêu, hành vi với mục đích xấu, và đích cuối cùng vẫn là lừa tiền của những người nhẹ dạ cả tin.
Qua đó, ngân hàng khuyến cáo các ứng viên và khách hàng cảnh giác với các tin nhắn giả mạo VietinBank và không click vào các đường link lạ trong tin nhắn.
Ngân hàng cũng khuyến cáo các ứng viên, khách hàng tuyệt đối không nộp bất kỳ khoản tiền nào trong quá trình tham gia tuyển dụng, đồng thời khẳng định không thu bất kỳ khoản phí nào từ ứng viên.
Tương tự, Ngân hàng BIDV cho biết cũng đang bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để giả mạo thông tin tuyển dụng.
Cụ thể, gần đây một số nhóm đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, giả danh thương hiệu BIDV nhằm lừa đảo ứng viên bằng cách yêu cầu tham gia các nhiệm vụ, nộp phí...
Phương thức chung của các hình thức lừa đảo này là đối tượng tự soạn thảo công văn giả mạo BIDV, giả mạo chữ ký, con dấu, email và bài đăng tuyển dụng.
BIDV khẳng định việc tuyển dụng được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của ngân hàng. Vì thế, đối với ứng viên có nhu cầu ứng tuyển tại BIDV cần lưu ý các điểm sau để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản: BIDV không thu bất kỳ khoản phí nào với ứng viên ứng tuyển.
Nhà băng cũng không yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trong quá trình tuyển dụng; không yêu cầu ứng viên tải app hoặc đăng ký bất kỳ ứng dụng nào; không thông qua các hình thức môi giới cá nhân/tổ chức để giới thiệu việc làm có tốn phí.
Ngân hàng cũng khuyến cáo các ứng viên chỉ nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng được đăng tải tại website hoặc trang Facebook chính thức của ngân hàng, hoặc trang tin tuyển dụng Vietnamworks.
Các cán bộ BIDV cũng không chủ động liên hệ tới người tìm việc. Do đó, các ứng viên tuyệt đối cảnh giác và từ chối với những tin nhắn riêng hoặc hẹn phỏng vấn những địa chỉ khác với trụ sở BIDV. Khi xác nhận lịch hẹn phỏng vấn, hãy kiểm tra lại chính xác địa chỉ trụ sở và địa điểm phỏng vấn.
BIDV cũng khuyến cáo ứng viên không thực hiện cung cấp thông tin mã OTP, phí đặt cọc, phí giữ chỗ, mật khẩu các tài khoản cho bất kỳ ai để đăng ký dự tuyển/phỏng vấn.
Nhiều chiêu lừa đảo mới xuất hiện
Bên cạnh giả mạo tuyển dụng ngân hàng, gần đây các đối tượng lừa đảo còn mạo danh cán bộ ngân hàng, thông qua Facebook, Zalo, Viber, điện thoại, tin nhắn,…, để chào mời khách hàng phát hành/nâng hạn mức thẻ tín dụng online bằng những ưu đãi hấp dẫn nhằm cố tình lừa đảo và rút tiền từ tài khoản/thẻ của khách hàng.
Trước chiêu lừa đảo mới này, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước các cuộc gọi/tin nhắn giả mạo cơ quan chức năng, cán bộ ngân hàng mời phát hành, nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc các dịch vụ tài chính khác.
Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thông tin thẻ, mã OTP,… cho bất kỳ ai.
Khi nghi ngờ có rủi ro gian lận, lừa đảo, cần thông báo ngay cho ngân hàng thông qua số hotline Trung tâm dịch vụ khách hàng. Nếu chẳng may bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Thời điểm cuối năm cũng là cao điểm của các hình thức lừa đảo, giả mạo, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng thường đánh cắp thông tin hình ảnh CMND/CCCD và sử dụng công nghệ cao, tinh vi chỉnh sửa thông tin đăng ký mở tài khoản ngân hàng một cách trái phép.
Đối tượng tìm kiếm và chiếm quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội (MXH) có bảo mật yếu, trùng tên với tài khoản ngân hàng giả mạo để nhắn tin giả mạo cho người thân, bạn bè của người bị hại; yêu cầu mượn tiền/chuyển tiền để chiếm đoạt.
Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng khi thực hiện giao dịch cần bảo mật thông tin cá nhân cũng như tên đăng nhập/mật khẩu đăng nhập/mã PIN/OTP,… của dịch vụ ngân hàng; cẩn trọng tránh lộ thông tin qua các kênh MXH, thanh toán online…
Cảnh giác và cần xác thực thông tin từ chính chủ tài khoản MXH khi nhận được tin nhắn mượn tiền/chuyển tiền.
Thực hiện xác thực hai yếu tố trên các nền tảng MXH phổ biến (Facebook, Zalo,…) để bảo vệ tài khoản MXH.
Cảnh báo gấp: Cắm sạc bừa bãi - nguy cơ có thể mất sạch tài khoản ngân hàng
Triệt phá 263 nhóm tội phạm, lật tẩy 100 tổ chức tài chính ngầm với gần 12 tỷ USD giao dịch phi pháp